Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức mới đây được coi là bước đột phá trong xúc tiến đầu tư của tỉnh Trà Vinh. Sau hội nghị này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến khảo sát và xúc tiến đầu tư. Nếu không có trở ngại lớn, Trà Vinh sẽ sớm thoát khỏi tỉnh thuần nông, trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển.
Khi tỉnh Trà Vinh được tái lập năm 1992, các cơ sở công nghiệp trên địa bàn có thể đếm được bằng đầu ngón tay; đã ít mà lại nhỏ, công nghệ lạc hậu. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh luôn xác định chỉ có phát triển công nghiệp thì mới đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh chóng. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nhất là tập trung cho phát triển công nghiệp. Trong những năm gần đây, cùng với tiến trình công nghiệp hóa của cả nước, Trà Vinh tiến hành quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư để mời gọi đầu tư; thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) và Trung tâm xúc tiến Thương mại – Du lịch. Hoạt động của các trung tâm này dù đã mang lại hiệu quả nhất định, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ.
Tháng 5-2007, UBND tỉnh Trà Vinh quyết định thành lập Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại – Du lịch trực thuộc UBND tỉnh để nâng tầm hoạt động. Sau hai năm đi vào hoạt động, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ của trung tâm, việc xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh đã khởi sắc và đạt được những kết quả bước đầu. Trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan và nhận được sự hỗ trợ của các cục, vụ, trung tâm, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức ngoài nước trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh đến các nhà đầu tư, đồng thời mời gọi đầu tư. Bằng cách làm chủ động và năng động, Trà Vinh đã được các nhà đầu tư biết đến và quan tâm nhiều hơn. Trong hai năm qua, các cơ quan chức năng đã đón tiếp và làm việc với hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát tại tỉnh. Qua đó, đã thu hút được 18 dự án FDI, năm dự án ODA với tổng vốn gần 100 triệu USD và 43 dự án của các nhà đầu tư ngoài tỉnh với tổng vốn đăng ký gần 900 tỷ đồng, hơn 100 doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký kinh doanh với tổng vốn gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, nên dù có nhiều cố gắng trong kêu gọi đầu tư, công nghiệp của Trà Vinh vẫn ở quy mô nhỏ bé, cần có sự bứt phá trong đầu tư phát triển. Hiện nay, tại tỉnh Trà Vinh chỉ có 832 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng nguồn vốn đăng ký khoảng 3.000 tỷ đồng, trong số này chỉ khoảng 20% số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và 17% doanh nghiệp trên lĩnh vực xây dựng.
Để có được Hội nghị xúc tiến đầu tư thành công vào ngày 30-5 vừa qua, không chỉ riêng Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại – Du lịch, mà cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc vận động cao điểm trước đó ba tháng. Bằng quyết tâm phải tiếp cận, tranh thủ sự cảm thông, giới thiệu và mời gọi cho được các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn của Trung ương về đầu tư, các đồng chí Bí thư, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại – Du lịch đã có nhiều cuộc làm việc, báo cáo tình hình và xin ý kiến và tranh thủ sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương phát triển công nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Trung ương.
Cùng với việc vận động sự ủng hộ của các cấp, các ngành, Tỉnh ủy và UBND tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch cho việc triển khai các cuộc xúc tiến đầu tư; phân công các sở, ngành liên quan phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại – Du lịch chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức các cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Qua các hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, lãnh đạo tỉnh tổ chức đánh giá các mặt được và chưa được rút kinh nghiệm, dồn sức cho cuộc xúc tiến đầu tư tại tỉnh.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn trong cả nước đã ký 23 bản cam kết với UBND tỉnh Trà Vinh, gồm 31 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, dự tính tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Các dự án đăng ký đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực, trong đó có nhiều dự án tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế như dự án nâng cấp ba quốc lộ 53, 54 và 60; Dự án cảng nước sâu cho tàu từ 100.000 đến 200.000 DWT; cảng sông cho tàu từ 10.000 đến 20.000 DWT neo đậu và dự án đường điện và trạm biến áp 220 kV Trà Vinh – Vĩnh Long; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Định An; Dự án đầu tư hạ tầng bao gồm cả hạ tầng bưu chính viễn thông – công nghệ thông tin vào các khu công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phát triển đô thị, nhà ở, siêu thị, ký túc xá cho sinh viên, nâng cấp các trường nghề, trường trung học phổ thông chuyên, trường nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, tạo việc làm cho lao động địa phương như dệt – may – nhuộm, chăn nuôi, chế biến thủy – hải sản, các dự án công nghiệp nặng như đóng tàu, gia công và phân phối các sản phẩm thép… cũng đã được ký kết đầu tư.
Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh Lê Tấn Lực cho biết, trong vòng một tháng sau hội nghị xúc tiến đầu tư đã có hàng loạt các doanh nghiệp đến Trà Vinh khảo sát và tiến hành lập dự án đầu tư. Công ty TNHH Ba Huân đã đến để bàn phương án đầu tư chăn nuôi gia cầm và chế biến trứng sạch; Tập đoàn dệt – may đã đến khu công nghiệp Cổ Chiên khảo sát để đầu tư cụm công nghiệp dệt may; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam khảo sát để đầu tư phát triển toàn diện xã Long Đức, thị xã Trà Vinh; Hiệp hội Việt kiều TP Hồ Chí Minh dự định đầu tư sản xuất, chế biến các mặt hàng thép, than và khoáng sản… Tỉnh đã tiến hành giao đất cho các nhà đầu tư để xây ký túc xá cho trường đại học, xây siêu thị Vinatex và Coop Mart, xây dựng cảng sông trong Khu kinh tế Định An…, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại – Du lịch Nguyễn Thành Tâm nói, ngoài các nhà đầu tư đã ký kết đến Trà Vinh để khảo sát đầu tư, trung tâm còn tiếp đón sáu đoàn khách (trong đó có hai đoàn nước ngoài) đến tìm hiểu để đầu tư.
Với những gì đã và đang diễn ra, có thể hy vọng, trong tương lai không xa Trà Vinh không còn là vùng đất khó, trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.