Hy Lạp đã thành công trong việc thắt chặt chi tiêu và nhiều khả năng sẽ nhận được tiếp 9 tỷ Euro tiền cứu trợ.
|
Athens có khả năng sẽ được nhận tiếp 9 tỷ Euro cứu trợ
|
Hy Lạp đã thành công trong việc thắt chặt chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách, và nhiều khả năng quốc gia này sẽ nhận được tiếp 9 tỷ Euro, tương đương 11,8 tỷ USD, trong gói cứu trợ khẩn cấp.
Phát biểu tại Athens, Trưởng phái đoàn kiểm toán của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Poul Thomsen cho biết, việc cắt giảm chi tiêu của Hy Lạp đang đi đúng hướng, đủ tiến bộ để Athens có thể nhận được 9 tỷ Euro, dự kiến được giải ngân vào ngày 13/9.
“Tôi tự tin là chúng ta sẽ tiếp tục với đợt giải ngân tiếp theo”, ông Poul Thomsen phát biểu.
Các nhà kiểm toán của EU và IMF đã dành 2 tuần làm việc và kiểm tra tiến trình thực hiện các biện pháp hạn chế chi tiêu của Hy Lạp, để xác định liệu Athens có được phép nhận được khoản cứu trợ thứ hai hay không. Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp hiện ở khoảng 14% GDP.
Tỷ lệ lạm phát tại Hy Lạp hiện cao nhất trong số 27 nước thành viên EU. IMF dự báo, kinh tế nước này có khả năng tăng trưởng âm 4% trong năm nay.
Hồi tháng 5 vừa qua, Hy Lạp đã mấp mé bờ vực phá sản khi nợ công của nước này ở mức khổng lồ và chỉ tạm được giải cứu nhờ gói cứu trợ 110 tỷ Euro của EU và IMF.
Đổi lại, Athens phải thực hiện một chương trình cải cách kinh tế hà khắc, bao gồm cắt giảm chi tiêu trong khu vực nhà nước và tăng thuế, đồng thời phải chịu sự giám sát hàng quý từ IMF, EC và ECB. Hy Lạp đã nhận được khoản giải ngân đầu tiên trị giá 20 tỷ euro.
Mặc dù đánh giá cao tiến trình thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp khi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng nợ công, song phái đoàn kiểm toán cũng cho rằng, Hy Lạp vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Tại Hy Lạp, hiện vẫn tồn tại một số vấn đề chịu sức ép hoặc một số lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao, trong đó có vấn đề mở cửa khu vực năng lượng và tái cơ cấu hãng vận tải đường sắt nhà nước OSE đang làm ăn thua lỗ.
Theo đại diện Ủy ban châu Âu (EC), bộ ba giám sát chương trình cải cách kinh tế của Hy Lạp gồm EC, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trao đổi với giới chức Hy Lạp về sự cần thiết phải giải quyết thâm hụt tại OSE và Công ty Điện lực quốc gia DEI của nước này.
Trong một diễn biến khác, Tây Ban Nha vừa huy động được 3,5 tỷ Euro trong đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn ba năm. Tuy nhiên, mức lợi suất trái phiếu kỳ này đứng ở 2,276%, thấp hơn nhiều so với mức 3,317% trong đợt phát hành ngày 10/6.
Giới phân tích cho rằng, sự thành công của Tây Ban Nha trong đợt phát hành trái phiếu lần này cho thấy, thị trường không hề quay lưng lại với khu vực tài chính của quốc gia châu Âu này. Theo đó, lo lắng về khả năng giảm thâm hụt ngân sách Tây Ban Nha cũng vợi bớt một phần./.