Ngày 5/10, Liên hiệp quốc đã công bố đồng loạt trên toàn cầu báo cáo Phát triển con người 2009. Theo đó, về chỉ số phát triển con người (HDI), Việt Nam xếp thứ 116/182 nước.
|
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam xếp thứ 54 thế giới.
|
Chỉ số này, lấy số liệu từ năm 2007 phản ánh mức sống lâu và khỏe mạnh (đo tuổi thọ trung bình); được học hành (đo tỉ lệ biết chữ ở người lớn và tỉ lệ nhập học chung trong giáo dục) và mức sống tử tế (đo bằng thu nhập theo sức mua tương đương PPP).
Như vậy, trong giai đoạn 1985-2007, mỗi năm HDI của Việt Nam tăng thêm 1,16% (từ 0,561 lên 0,725), bất kể có lúc kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Ngoài chỉ số HDI, hai chỉ số khác khá cao của Việt Nam là tuổi thọ trung bình (xếp thứ 54 thế giới với tuổi thọ trung bình là 74,3) và tỉ lệ biết chữ ở người lớn xếp thứ 69 (chiếm 90,3% người từ 15 tuổi trở lên).
Việt Nam cũng được xếp là nước thứ 19 có lượng tiền của người di cư gửi về nhiều nhất thế giới với tổng giá trị 5,5 tỉ USD. Đứng đầu là Ấn Độ (35,26 tỉ USD), thứ hai là Trung Quốc (32,83 tỉ USD) và thứ ba là Philippines (16,29 tỉ USD). Địa điểm thu hút nhiều dân di cư Việt Nam nhất là Bắc Mỹ (50,5%).
Tính trên toàn thế giới, Na Uy đứng đầu về chỉ số HDI nhưng xét từng tiêu chí, Nhật Bản mới là nước đứng đầu về tuổi thọ trung bình, Gruzia đứng đầu về tỉ lệ biết chữ ở người lớn, Australia đứng đầu về tỉ lệ nhập học chung và Công quốc Liechstenstein (quốc gia nói tiếng Đức nhỏ nhất thế giới với diện tích 160km2, giáp Thụy Sĩ ở phía tây và giáp Áo ở phía đông) có GDP theo đầu người (tính theo sức mua ngang bằng) cao nhất thế giới./.