Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ tạo ra một “cú hích” tại khu vực Đông Nam Á về dài hạn, bất chấp những tổn thất trực tiếp đang ảnh hưởng tới các nền kinh tế trong khu vực, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đưa ra nhận định trên tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trong phiên khai mạc Hội nghị thường niên WB/IMF.
|
Các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tích cực hội nhập và tăng cường liên kết nội khối
|
Theo Giám đốc Zoellick, các nước trong khu vực Đông Nam Á cần phải “nắm” lấy cơ hội và tận dụng vị thế địa lý tiếp giáp giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai nền kinh tế năng động nhất để đầu tư phát triển.
Nhấn mạnh tới sự thay đổi trung tâm kinh tế toàn cầu do tác động của cuộc khủng hoảng, ông Zoellick cho rằng châu Á sẽ đặc biệt được hưởng lợi từ sự thay đổi này.
Các nước ASEAN đã nhận ra được thời điểm quan trọng và tiến hành hội nhập sâu rộng và mở rộng hợp tác giữa các thành viên. Đặc biệt, ông Zoellick nêu hai trường hợp thành công: Indonesia (vươn lên thành một nền kinh tế khá lớn) và Việt Nam (đang gia tăng sức ảnh hưởng) đã nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, đạt được những tiến bộ đáng kể.
Theo Giám đốc Zoellick, mô hình phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu tại Đông Nam Á sẽ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và thế giới (trong tương lai) và phù hợp với nền kinh tế toàn cầu ổn định (không dựa quá nhiều vào tiêu dùng của nước Mỹ).
"Thế giới sau khủng hoảng sẽ và phải khác thế giới trước khủng hoảng. Chúng ta cần phải thích nghi với thực tế và thay đổi chính sách cho phù hợp với sự phát triển".
Kim Anh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ