Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng cho biết, trong quá trình khôi phục và phát triển làng nghề, một trong những chủ trương lớn của Bộ này là phát triển mỗi làng một nghề để đem lại thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.
|
Dệt thổ cẩm tại làng nghề Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
|
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Mỗi làng một sản phẩm” do Bộ phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ở Hà Nội ngày 15/9, Thứ trưởng cho rằng xây dựng chương trình phát triển mỗi làng một nghề thống nhất trong phạm vi cả nước sẽ phát huy được nguồn lực sẵn có của địa phương, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, để tạo ra bước chuyển cơ bản về ngành nghề nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỉ trọng sản phẩm và lao động trong nông nghiệp sang ngành nghề và dịch vụ.
Theo kết quả điều tra do Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và JICA thực hiện, Việt Nam hiện có 2017 làng nghềvới nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Trong đó, số làng nghề truyền thống chỉ chiếm khoảng 15%, số còn lại là mới hình thành, hầu hết đều có quy mô vừa và nhỏ. Ba khu vực làng nghề phát triển tương đối tập trung là Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Cửu Long và vùng Tây Bắc.
Cũng theo khảo sát này, hiện có khoảng trên 11 triệu lao động, chiếm gần 30% số lao động tại các làng nghề, tham gia sản xuất và có nguồn thu nhập chính từ nghề thủ công.
Một số làng nghề thu hút tới trên 60% tổng số lao động của địa phương vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Ngoài lao động thường xuyên, các hộ,cơ sở ngành nghề còn thu hút rất nhiều lao động thời vụ.
Thu nhập của người lao động tham gia vào nghề phi nông nghiệp thường cao gấp 3-4 lần so với lao động nông nghiệp. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong các khu vực có ngành nghề phi nông nghiệp phát triển chỉ ở mức khoảng 3,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 10,4% hộ nghèo bình quân trong cả nước.
Tiềm năng và lợi thế là vậy, song phát triển làng nghề ở Việt Nam lại đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, môi trường làng nghề bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ sản xuất thiếu đồng bộ.
Thừa nhận những thách thức này, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng cho biết Bộ đã xây dựng qui hoạch và định hướng phát triển ngành nghề nông thôn trên phạm vi cả nước đến năm 2020; trong đó chú trọng các làng nghề cớ ưu thế về tiêu thụ sản phẩm, sử dụng nhiều lao động, phù hợp với điều kiện từng vùng; phát triển làng nghề gắn với các cụm công nghiệp; quy hoạch vùng nguyên liệu và có chiến lược phát triển thị trường và phát triển nguồn nhân lực.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Morihiko Hiramatsu, người sáng lập ra phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” tại Nhật Bản, đã giới thiệu với Việt Nam mô hình từng áp dụng thành công tại Nhật Bản và nhiều nước khác ở châu Á, châu Phi.
Buổi tọa đàm là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án phát triển năng lực xúc tiến ngành nghề nông thôn do JICA hỗ trợ, được thực hiện từ tháng 12/2008 với mục tiêu xâydựng một mô hình phát triển ngành nghề nông thôn toàn diện thông qua phát triển những sản phẩm có tính cạnh tranh cao và sử dụng nguồn lực địa phương, góp phần tăng thu nhập của người dân nông thôn./.