Trong hai ngày 12 và 13-10, tại Roma (Italy), hơn 300 chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới đã tham gia Diễn đàn quốc tế "Lương thực cho thế giới năm 2050", do Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của LHQ (FAO) chủ trì.
|
Nông dân thu hoạch khoai lang ở trang trại gần thủ đô Pretoria của Nam Phi.
|
Trong bối cảnh số dân thế giới tăng nhanh và có thể đạt chín tỷ người vào năm 2050, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp, FAO khuyến cáo: Các nền kinh tế lớn cần dành hơn ba nghìn tỷ USD giúp các nước đang phát triển thoát khỏi nạn đói và mỗi năm thế giới cần 83 tỷ USD đầu tư cho nông nghiệp ở các nước này.
FAO ước tính, trong bốn thập niên tới, số dân thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2,3 tỷ người. Ðể đáp ứng nhu cầu của 9,1 tỷ người vào năm 2050, lượng lương thực cần thiết sẽ nhiều hơn 70% so với sản lượng nông nghiệp hiện nay của thế giới. Trong khi đó, những năm tới đây hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu phải đương đầu những thách thức đang tăng lên do tình trạng biến đổi khí hậu, có thể làm giảm 30% sản lượng nông nghiệp ở châu Phi, 21% ở các nước đang phát triển nói chung, cùng với mối đe dọa về dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi lan rộng. Khu vực nông nghiệp cũng sẽ đối mặt tình trạng lực lượng lao động thu hẹp, do có khoảng 600 triệu người di cư từ nông thôn đến thành phố, cũng như sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về đất và tài nguyên, trong đó có lĩnh vực năng lượng sinh học.
Trong báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn, Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf nhận định: Cách chúng ta xử lý những thách thức trên sẽ quyết định việc chúng ta sẽ "nuôi sống" thế giới trong tương lai. Cần chấm dứt thảm cảnh của hơn một tỷ người đói và suy dinh dưỡng trên thế giới hiện nay, bằng hành động quyết liệt nhằm xóa đói một cách nhanh chóng và hoàn toàn. Với cuộc Cách mạng xanh trong thế kỷ 20, thế giới đã thành công trong việc đẩy lùi nạn đói ở châu Á và Mỹ la-tinh vào thập niên 70 thế kỷ trước, nhờ dành 17% viện trợ phát triển vào việc xây dựng hệ thống thủy lợi, sản xuất giống, phân bón, phát triển cơ sở hạ tầng kho bãi và đường nông thôn. Ðối phó những thách thức trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, cần sử dụng hiệu quả hơn năng lượng, tài nguyên và tập trung nhiều hơn vào nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân. Một trong những thách thức đáng kể là nước. Trong khi mở rộng diện tích đất tưới tiêu, cần đồng thời sử dụng ít nước hơn. Chìa khóa để giải được bài toán này nằm trong kỹ thuật tiết kiệm nước giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước và giữ ẩm cho đất.
Trước thực tế dân số nông thôn và nông dân ngày càng giảm, FAO nhận định, khu vực nông nghiệp thế giới sẽ phát triển chuyên sâu hơn, cần nhiều vốn và tri thức hơn, nhằm sản xuất lương thực nhiều và chất lượng cao hơn đáp ứng nhu cầu của dân số thành thị ngày càng tăng và giàu có. Vì thế cần đầu tư sâu, gồm cả nghiên cứu và phát triển, bởi vì sản xuất nông nghiệp tăng trong tương lai chỉ có được từ sản lượng tăng bền vững và mật độ gieo trồng được cải thiện, chứ không phải nhờ tăng diện tích đất canh tác. Nông dân cũng cần được đào tạo tốt hơn để nắm bắt công nghệ, phương pháp canh tác mới...
Ðể đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp dự báo tăng khoảng 70% vào năm 2050, các chuyên gia của FAO tính toán cần tăng tổng mức đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thêm 50% so với hiện nay. Mỗi năm thế giới phải dành ít nhất 83 tỷ USD đầu tư vào nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Trong đó, ước tính 20 tỷ USD đầu tư cho trồng cây lương thực, 13 tỷ USD cho chăn nuôi và khoảng 50 tỷ USD cho các dịch vụ hỗ trợ, như nhà kho, dây chuyền chế biến... Vùng nam sa mạc Sahara ở châu Phi cần khoảng 11 tỷ USD, Mỹ la-tinh và vùng Caribe cần 20 tỷ USD. Các khu vực Cận Ðông và Bắc Phi cần mười tỷ USD, Nam Á 20 tỷ USD và Ðông Á 24 tỷ USD. Phần lớn các khoản trên là đầu tư cá nhân, như nông dân mua các phương tiện, máy móc và các doanh nghiệp đầu tư vào các cơ sở chế biến nông sản. Tuy nhiên, chính phủ các nước cũng phải đầu tư để hệ thống nông nghiệp hoạt động tốt hơn và bảo đảm an ninh lương thực. FAO kêu gọi các nước phát triển dành hơn ba nghìn tỷ USD để giúp các nước nghèo loại bỏ mối đe dọa của nạn đói. Các chuyên gia cảnh báo, khủng hoảng lương thực có nguy cơ trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu; đến năm 2020 sẽ có thêm từ 100 đến 400 triệu người trên toàn cầu (trong đó khoảng 300 triệu người ở châu Phi) thiếu lương thực trầm trọng và suy dinh dưỡng, nếu thế giới không có ngay các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Khóa họp Ðại hội đồng LHQ cuối tháng 9 vừa qua, các nước, khu vực và tổ chức quốc tế cũng kêu gọi đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tránh các cuộc khủng hoảng lương thực trong tương lai. Trong đó, thế giới cần tăng đầu tư cho nông nghiệp và dành ưu đãi đặc biệt đối với nông sản của các nước đang phát triển; các nước giàu cần loại bỏ các trợ cấp nông nghiệp, nhằm bảo đảm công bằng cho nông dân ở các nước đang phát triển. Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf khẳng định, để bảo đảm đủ lương thực vào năm 2050, các nước cần đẩy mạnh thực hiện các chiến lược xóa đói nghèo, mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo và các chương trình phát triển nông thôn, quản lý tốt hơn, cũng như thiết lập các điều kiện về kinh tế - xã hội nhằm nâng cao khả năng tiếp cận lương thực của mọi người dân. Một yếu tố quan trọng nữa là cải cách hệ thống thương mại nông nghiệp theo hướng không chỉ tự do, mà còn công bằng hơn./.
Chu Hồng Thắng
Báo Nhân dân điện tử