Kỳ họp thường niên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ 3 đã bế mạc ngày 27/8 tại Đà Nẵng.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với các đại biểu
|
Trong kỳ họp này, các thành viên ABAC đã thảo luận những kiến nghị để trình lên các nhà lãnh đạo APEC trong cuộc đối thoại giữa các thành viên ABAC với các nhà lãnh đạo APEC tại Kỳ họp Thượng đỉnh của APEC sẽ diễn ra tại Singapore vào tháng 11/2009.
Các thành viên ABAC cũng thảo luận các kiến nghị về vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu để có sự thống nhất về các vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu, trong cuộc họp tại Copenhagen của Đan Mạch tháng 12 tới.
Ngoài ra các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực cũng đưa ra một số khuyến nghị được các nhà lãnh đạo APEC quan tâm như vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng, an ninh lương thực, cũng như một số ảnh hưởng của các xu hướng thay đổi cơ cấu dân số đối với lao động của các nền kinh tế APEC.
Tại kỳ họp này, các thành viên ABAC cho rằng cần có sự thận trọng trước các dấu hiệu kinh tế hồi phục, đề nghị các nhà lãnh đạo cần có các biện pháp để đảm bảo sự hồi phục kinh tế được duy trì bền vững. Các thành viên ABAC tin rằng điều này có thể thực hiện được nếu các nền kinh tế cam kết không đưa ra các biện pháp bảo hộ; thúc đẩy nhu cầu toàn cầu, hơn là tập trung vào thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Các nền kinh tế cũng cần tận dụng cơ hội này để tiến hành cải cách nền kinh tế và phải có lộ trình chắc chắn để đưa Khu vực Mậu dịch Tự do châu Á-Thái Bình Dương trở thành hiện thực và điều này thể hiện được tính cam kết mạnh mẽ của APEC trong việc thúc đẩy hội nhập của các nền kinh tế khu vực.
Các thành viên ABAC cũng cho rằng nếu vòng đàm phán Doha trong năm 2010 thành công sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ đối với kinh tế cũng như đầu tư toàn cầu; đồng thời cũng ngăn chặn được vấn đề chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại.
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC Việt Nam cho rằng, trong các vấn đề thảo luận tại kỳ họp thứ 3 của ABAC được tập hợp thành các kiến nghị trình lên lãnh đạo APEC, Việt Nam quan tâm đến một số khuyến nghị về vấn đề hàng rào bảo hộ của các nước ảnh hưởng tới Việt Nam; vấn đề thúc đẩy hình thành sớm vòng đàm phán Doha, tiến tới mục tiêu Bogor; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như vấn đề tạo việc làm, thu hút đầu tư.
Ông Teng Theng Dar, Chủ tịch ABAC 2009 cho biết, khuyến nghị của ABAC về dỡ bỏ rào cản thương mại nêu ra đã được APEC chấp nhận. Tại kỳ họp này, ABAC đã đưa ra các khuyến nghị về việc thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do châu Á-Thái Bình Dương.
Bắt đầu từ năm 2010, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC xây dựng mô hình hoạt động và đến năm 2011 sẽ hình thành khu vực Mậu dịch Tự do này.
“Trong APEC, chúng ta có thể hợp tác cùng nhau. Không có rào cản nào cản trở sự hợp tác của các doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào của Việt Nam đều trở thành doanh nghiệp của khu vực”, ông Teng Theng Dar nhấn mạnh./