Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/02/2010-10:54:00 AM
Lại xuất hiện “sự thần kỳ châu Á”
Châu Á đã phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng và đang trở thành một động lực mạnh thúc đẩy kinh tế toàn cầu ra khỏi cuộc khủng hoảng và suy thoái trầm trọng nhất trong một thế kỷ qua.

Việt Nam là "ngôi sao đang nổi" của châu Á

Đó là nhận định chung của các tổ chức quốc tế có uy tín nhất về kinh tế, tài chính như Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), của các chuyên gia kinh tế.
Điều này một lần nữa khẳng định sự năng động về kinh tế, trong cả phát triển và vượt ra khỏi khủng hoảng của kinh tế châu Á, và thêm một lần nữa xác nhận “sự thần kỳ châu Á”.
Nhận định về tiến độ phục hồi kinh tế nhanh chóng của châu Á, Tạp chí Mỹ “Tiền tệ và thị trường “cho rằng các nền kinh tế châu lục này đã thành công vượt qua thử thách của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhờ tiếp tục duy trì được “sự phát triển thần kỳ từ nhiều thập kỷ trước”.
Tiến sĩ Martin D. Weiss, nhà phân tích kinh tế của Tạp chí nhấn mạnh các nền kinh tế châu Á không chỉ có động lực tăng trưởng lớn mà còn giữ vững được động lực này suốt nhiều thập kỷ nhờ 3 ưu thế.
Một là không chỉ giảm được nợ, các nền kinh tế châu Á đã thu hút được nguồn đầu tư lớn. Hai là tuy phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các nền kinh tế châu Á đã đa dạng được thị trường xuất khẩu tới các nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ. Ba là thay vì phụ thuộc vào các gói kích cầu của chính phủ, các nền kinh tế châu Á đã thúc đẩy được nhu cầu trong nước với số dân lớn.
Trong năm 2009 và những tuần đầu năm 2010, các thị trường lớn ở châu Á đã hoạt động tốt. Kim ngạch trao đổi trên thị trường chứng khoán (ETF) Ấn Độ tăng 76,7%, Hàn Quốc tăng 69,1%, Trung Quốc tăng 41%. Trong thời gian từ tháng 6/2009, khi các nền kinh tế châu Á bắt đầu phục hồi , ETF của Hàn Quốc tăng 37,4%, gấp hơn 2 lần ETF của Ấn Độ (18%) và gấp hơn 3 lần mức tăng ETF của Trung Quốc (12,4%). ETF được coi là công cụ đầu tư được trao đổi trên thị trường chứng khoán.
Ai cũng biết trong những thập kỷ 1960-1970, Nhật Bản có sự phát triển nhanh và được giới kinh tế thế giới coi là “sự thần kỳ Nhật Bản”. Nhờ sự phát triển thần kỳ đó, mà chỉ trong hai thập niên, Nhật Bản “thăng hoa” từ vị thế một nền kinh tế nghèo, chậm phát triển sau chiến tranh thế giới thứ II, phải nhờ kế hoạch Marshall của Mỹ mới có thể tồn tại được, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, nước đã phát triển liên tục trước Nhật Bản hơn một thế kỷ.
Kinh tế Nhật Bản bắt đầu phát triển chậm lại trong thập niên 1980, thậm chí lâm vào thời kỳ suy thoái kéo dài trong suốt thập niên 1990. Thay cho “sự thần kỳ Nhật Bản” đến lượt xuất hiện những con rồng mới của kinh tế châu Á là bốn nền kinh tế công nghiệp mới (NICs) gồm Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Hồng Kông (TQ) và Singapore.
Đặc biệt, Hàn Quốc có sự phát triển ngoạn mục từ mức thu nhập bình quân 60 USD/người/năm vào giữa thập niên 1960 đã tăng lên 10.000 USD vào năm 1996, đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và là nền kinh tế thứ hai ở châu Á (sau Nhật Bản) tham gia tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD - còn được gọi là Câu lạc bộ các nước phát triển giàu có) trước khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á diễn ra năm 1997 làm đồng Won của nước này mất giá thảm hại.
Sau bốn con rồng châu Á, đến lượt người khổng lồ Trung Quốc “đứng dậy” sau giấc ngủ dài hai thế kỷ. (Thế kỷ thứ 18, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới, chiếm 1/3 tổng sản lượng toàn cầu và thế kỷ này được coi là “thế kỷ Trung Hoa”, trước khi chủ nghĩa thức dân ở châu Âu nổi lên). Chỉ trong 30 năm sau khi tiến hành “Cải cách, Mở cửa” từ năm 1978, Trung Quốc thực sự làm thế giới ngạc nhiênkhi vươn từ vị trí thứ 40 trong bản đồ kinh tế thế giới trở thành cường quốc kinh tế, đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm đầu tiên của thế kỷ 21, để rồi sau đó lần lượt vượt qua các nền kinh tế đàn anh như Pháp, Anh, Đức và năm 2009 chính thức vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sau Trung Quốc, đến lượt Ấn Độ, một người khổng lồ khác cũng khiến thế giới phải ngưỡng mộ, Rồi Indonesia cũng trở thành một hiện tượng về sự phát triền. Đến đầu thế kỷ 21, châu Á tiếp tục phát triển với nhiều tên tuổi mới như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines…
Theo các số liệu thống kê, trong giai đoạn 1965 và 2007, thu nhập bình quân, tính theo tỷ giá đồng USD hiện nay, đã tăng 15.046% ở Hàn Quốc, 7.291% ở Đài Loan (TQ), 5.913% ở Singapore; 4.352% ở Hồng Kông (TQ) và 4.133% ở Nhật Bản. Trong giai đoạn này, Trung Quốc tăng 2.260%, Ấn Độ tăng 764% và Indonesia tăng 2.257%....

Thủ đô Tokyo, Nhật Bản

Tác động rõ nét nhất của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng là cải thiện đời sống của người dân ở châu Á. Nếu như năm 1981, khu vực Đông Á có tỷ lệ nghèo đói cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới, với gần 80% người dân ở khu vực này có mức thu nhập chưa đầy 1,25 USD/ngày. Đến năm 2005, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 18%".
Việt Nam – một “ngôi sao đang lên ở châu Á” được Liên Hợp Quốc đánh giá là tấm gương tiêu biểu trong việc xóa đói giảm nghèo. Trong bản báo cáo “Tình trạng bất ổn về lương thực trên thế giới”, Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO) ghi nhận: “Việt Nam đã kết hợp được các chính sách thị trường mở với những khoản đầu tư lớn vào hệ thống an sinh xã hội trên quy mô toàn quốc, tăng vốn cho việc chăm sóc y tế, tăng lương hưu trí và trợ cấp cho người thất nghiệp. Nhờ đó mà Việt Nam không chỉ xóa đói mà còn giảm được hơn một nữa tỉ lệ người nghèo từ 24% vào năm 1993, xuống còn 11% vào năm 2002”.
Sự phát triển nhanh của châu Á khôngtránh khỏibộc lộ những khiếm khuyết của nó. Đợt suy thoái kéo dài của Nhật Bản, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997- 98 đã phơi bày một loạt những khiêm khuyết của nó. Đó là sự phát triển “bong bóng”. Cuộc khủng hoảng 1997- 98 đã kéo lùi sự phát triển của một loạt nước từ Hàn Quốc đến Indonesia, Thái Lan, Philippines…
Nhưng chính từ “vũng lầy” của cuộc khủng hoảng 1997 - 98, các nền kinh tế châu Á đã nhanh chóng cải cách thể chế, điều tiết vĩ mô… Chính sự cải cách này đã có tác dụng lớn trong việc phục hồi nhanh sau khủng hoảng 2008.
Bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tại Mỹ, do nền kinh tế phát triển định hướng xuất khẩu của châu Á, trong hai năm 2008 và 2009, nhiều nền kinh tế châu Á đã suy giảm mạnh. Nhưng do đã được “tiêm vaccine” từ sau cuộc khủng thoảng 1997- 98, nên châu Á lại một lần nữa khẳng định sự năng động của mình. Hầu hết các nền kinh tế châu Á đã phục hối từ nửa sau năm 2009, trong khi nhiều nền kinh tế thế giới vẫn chìm đắm trong khủng hoảng.
Điều thần kỳ Châu Á có thể sẽ tiếp tục. Các quốc gia như Việt Nam có thể trở thành "những con hổ" kinh tế mới. Các quốc gia ở bất cứ nơi đâu trên thế giới có một cơ hội để cạnh tranh với mô hình Châu Á và tạo ra những "điều thần kỳ" về kinh tế của riêng họ./.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1237
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)