Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/06/2010-09:20:00 AM
Kết thúc CG giữa kỳ: Các nhà tài trợ đánh giá cao thành tựu của Việt Nam
(MPI Portal) – Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG giữa kỳ) đã thành công tốt đẹp. Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng mà Việt Nam đạt được thời gian qua đã nhận được sự đánh giá cao của các đối tác phát triển.

Tăng trưởng GDP trong 3 tháng đầu năm 2010 đạt 5,83% và ước đạt hơn 6% trong cả năm 2010

Đây cũng là một trong những nội dung đạt được sự đồng thuận cao nhất của các nhà tài trợ trong các ý kiến đóng góp đối với Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị. “Chúng tôi, các đối tác phát triển, chân thành chúc mừng Ngài Thủ tướng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc đạt được thành tựu nổi bật này”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng Chủ tọa Hội nghị, phát biểu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đề cập đến việc Việt Nam vừa tham gia nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình trước thời hạn đề ra trong kế hoạch.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7%/năm của Việt Nam, thuộc hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á, cũng gây ấn tượng rất tốt đối với ông Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam. “Chúng tôi đánh giá cao tính bền vững mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển của mình. Những chính sách mà Việt Nam đề ra là rất kịp thời để đảm bảo đương đầu được với các thách thức”, ông Doyle nhấn mạnh.
Các nhà tài trợ cũng lưu ý về các điều kiện để Việt Nam đạt được những thành tựu trên là không hề dễ dàng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vừa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhấtkể từ 7 thập niên trước.
“Khi chúng ta gặp mặt tại Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại về sự tái xuất hiện mất cân bằng kinh tế vĩ mô có thể tạo ra rủi ro đối với phục hồi kinh tế của Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi nói rằng những bước đi sau đó của Chính phủ chuyển từ chính sách kích thích tăng trưởng sang ổn định kinh tế đã thành công trong việc khôi phục các điều kiện kinh tế ổn định hơn”, ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam phát biểu. Ông cũng tái khẳng định: “Chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam” – điều mà “chúng ta đã nói trong nhiều dịp trước đây”.
Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho rằng, hai thập kỷ cải cách và hội nhập kinh tế đã tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động và cởi mở nhất trên thế giới và gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Ông nhận xét: “Việt Nam đã đạt được điều này nhờ sự kết hợp giữa hoài bão, sự chăm chỉ và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, cho phép tạo ra nhiều việc làm cho lực lượng lao động đang mở rộng, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới và giúp hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo”. Ông cũng cho rằng, Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng kinh tế một cách thành công và hiện đang tiếp tục tiến tới hòa nhập sâu rộng hơn với toàn cầu và khu vực, thể hiện qua việc Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2010.
“Với mức tăng trưởng GDP trong 3 tháng đầu năm 2010 đạt 5,83% và ước đạt hơn 6% trong cả năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu dự tính là 2 con số và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại đầu tư vào Việt Nam, có thể thấy kinh tế Việt Nam đang có đà để một lần nữa trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đạt được nhiều thành công trên các thị trường thương mại và thị trường vốn toàn cầu”, ông Hendra phát biểu.
Bên cạnh những đánh giá cao về tiềm năng và thành tựu phát triển của Việt Nam, các nhà tài trợ cũng khuyến cáo Việt Nam về những thách thức mà Chính phủ và các đối tác phát triển phải đối mặt là làm thế nào hiện thực hóa tiềm năng này và duy trì những tiến bộ lớn mà Việt Nam đã đạt được.
Theo ông Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chất lượng tăng trưởng là vấn đề quan trọng đặt ra cho Việt Nam trong 10 năm tới vì Việt Nam đang đầu tư hơn 30% GDP/năm và tỷ lệ này khó có thể tăng cao hơn nữa.
Tại phiên bế mạc Hội nghị CG giữa kỳ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã khẳng định, kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã có những bước chuyển biến tích cực, đặc biệt khi kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khủng khoảng, Việt Nam vẫn tăng trưởng. Có ba vấn đề nổi lên hiện nay cản trở sự phát triển bền vững của Việt Nam là cơ sở hạ tầng (nhu cầu cấp bách lớn về đường giao thông, sân bay, bến cảng), nguồn nhân lực (phát triển giáo dục đại học, đào tạo nghề, phát triển việc làm, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ) và biến đổi khí hậu.
Về hiệu quả viện trợ, cũng tại phiên bế mạc, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ cam kết Paris, cũng như tuyên bố Hà Nội về hiệu quả viện trợ./.
Trọng Minh - Quang Tùng
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1250
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)