Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn ngày 20/1 cho biết các nhà lãnh đạo thế giới không nên từ bỏ những cải cách trong lĩnh vực tài chính nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng khoảng tín dụng tái bùng phát, tàn phá các nền kinh tế.
|
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn
|
Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính châu Á diễn ra ở Hongkong, Trung Quốc, ông Strauss-Kahn nhấn mạnh việc tiến tới những thay đổi quan trọng là hết sức cần thiết, bao gồm cả sự điều chỉnh và giám sát lĩnh vực ngân hàng.
Đặc biệt, theo ông, kinh tế thế giới "cần đến cải cách và quyết tâm chính trị".
Ông cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm bởi "trong vòng 6 đến 12 tháng tới, người ta mới có thể quay trở lại với công việc kinh doanh thường nhật và quên đi những bài học về cuộc khủng hoảng tài chính".
Ông Strauss-Kahn một lần nữa bác bỏ cái gọi là "suy thoái kép" đối với kinh tế toàn cầu, nhưng ông khẳng định tốc độ phục hồi của các nền kinh tế vẫn còn khá chậm chạp và thiếu đồng đều khi châu Á thoát khỏi khủng hoảng sớm hơn các khu vực khác.
Đồng thời, ông cảnh báo tình trạng dòng vốn quá lớn đổ về một số nước châu Á mặc dù chưa có nguy cơ nhãn tiền nào về bong bóng tài sản, bởi lẽ "đôi lúc vì một lý do nào đó, dòng vốn này đột ngột ngừng lại và lập tức gây ra những khó khăn".
Theo người đứng đầu IMF, các nước châu Á cần tiến tới kiểm soát dòng vốn tạm thời để đối phó với lượng ngoại tệ khổng lồ chảy vào khu vực này.
Ngoài ra, châu Á cũng cần chú trọng kích cầu nội địa để giảm bớt sự phụ thuộc vào người tiêu dùng nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ vốn lao đao do khủng hoảng.
Liên quan đồng NDT của Trung Quốc, ông Strauss-Kahn nhắc lại lời kêu gọi nước này tăng trị giá NDT giữa lúc dư luận cho rằng Bắc Kinh cố níu giữ đồng nội tệ ở giá trị thấp để thúc đẩy xuất khẩu.
Sau cùng, vị Giám đốc IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% vào năm 2010 trong khi châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, có thể đạt mức tăng trưởng tới 7%./.