Tình hình xuất nhập khẩu tháng 9 năm 2009
1. Xuất khẩu:
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 9 năm 2009 đạt 4,68 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,05 tỷ USD.
9 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 41,73 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 16,66 tỷ USD, giảm 6,3%.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 10,9 triệu tấn, tăng 8,6% về lượng nhưng giảm 45,6% về kim ngạch; dệt may 6,7 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ; giày dép 2,96 tỷ USD, giảm 13,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 1768 triệu USD, giảm 14,1%; linh kiện điện tử 1,65 tỷ USD xấp xỉ cùng kỳ 2008; thuỷ sản 3,0 tỷ USD, giảm 9,5%; gạo 4,98 triệu tấn, tăng khoảng 34% về lượng nhưng giảm 7,7% về kim ngạch; dây điện và cáp điện 564 triệu USD, giảm 26,5%; cao su 490 nghìn tấn, tăng 7% về lượng nhưng giảm 41% về giá trị...
Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, giá bình quân đa số các mặt hàng đều giảm so với 9 tháng đầu năm 2008. Cụ thể: dầu thô giảm 52% (tương đương 456 USD/tấn), than đá giảm 20%, gạo giảm 31%, cà phê giảm 29,7%, cao su giảm 45,7%...
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu đều giảm. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ với tỷ trọng gần 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2008; thị trường EU chiếm tỷ trọng 16,6% và giảm 13%; thị trường ASEAN chiếm tỷ trọng 16,5% và giảm gần 15%; thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng 10,2% và giảm gần 35%; thị trường Trung Quốc 7,3% và giảm 9,7%.
2. Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 năm 2009 ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so với tháng trước. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,25 tỷ USD.
9 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 48,27 tỷ USD, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 17,7 tỷ USD, giảm 19%.
Tình hình nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 9 tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái: xăng dầu 9,7 triệu tấn (giảm 4,4% về lượng và giảm 52,5% về kim ngạch), phân bón 3,25 triệu tấn (tăng 213% về lượng và giảm 22,5% về kim ngạch), sắt thép 7,3 triệu tấn (tăng 1,1% về lượng và giảm 35,4% về kim ngạch), ...
Hết tháng 9/2009, kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á giảm 33% so với cùng kỳ năm 2008, ước đạt 38,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Châu Âu giảm 41,9% đạt 5,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Châu Mỹ giảm 16,9%, ước đạt 4 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn nhập khẩu chủ yếu từ Châu á với tỷ trọng gần 80%.
Nhập siêu tháng 9, khoảng 1,52 tỷ USD. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, tổng nhập siêu lên tới 6,54 tỷ USD, chiếm 15,67% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Có thể thấy trong 9 tháng đầu năm 2009, tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục chịu một số khó khăn sau:
- Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch lớn giảm so với cùng kỳ, do khó khăn về thị trường xuất khẩu: thủy sản giảm 9,5%, giày dép giảm 14,7%...
- Gía xuất khẩu bình quân cũng giảm mạnh: dầu thô giảm 52%, than đá giảm 20%, gạo giảm 31%, cà phê giảm 29,7%, cao su giảm 45,7%...
- Đối với nhập khẩu, do sản xuất trong nước gặp khó khăn nên lượng nhập khẩu một số mặt hàng giảm: máy móc thiết bị giảm 16,4%, nguyên liệu dệt may giảm 17,2%, xăng dầu các loại giảm 4,4% ...
Mặc dù theo một số dự báo, tình hình kinh tế kể từ cuối năm 2009 sẽ sáng sủa hơn, và xuất khẩu có thể đạt mức năm 2008. Tuy nhiên qua thực tế hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2009 cho thấy xuất khẩu sẽ rất khó khăn nhất là tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Căn cứ tình hình thực tế, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt khoảng 56,5 - 57 tỷ USD, giảm 9 - 9,8 % so với năm 2008 và hầu như không có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 3% như Quốc hội đề ra . Tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 67,5 - 68 tỷ USD, giảm 16,3% so với năm 2008.
Nhập siêu ở mức 11 tỷ USD, chiếm 19,5% kim ngạch xuất khẩu.
3. Kiến nghị một số giải pháp:
Trong 3 tháng cuối năm, để đạt kim ngạch xuất khẩu 56,5-57 tỷ USD vẫn cần quyết liệt thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục tạo các thủ tục thuận lợi cho doanh nghiệp được vay vốn từ chính sách hỗ trợ lãi suất 4%/năm để phát triển sản xuất, xuất khẩu đặc biệt đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực gồm thủy sản, gạo, cà phê, dệt may, da giày, sản phẩm gỗ...
- Tiếp tục điều chỉnh lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường. Đây là biện pháp hữu hiệu để kích cầu và thúc đẩy sản xuất.
- Xem xét dãn thời gian nộp thuế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu, đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa.
- Xác định việc xúc tiến xuất khẩu hàng hoá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực ít bị tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế.
- Điều hành linh hoạt hoạt động buôn bán biên mậu theo hướng khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, cân đối nguồn nguyên liệu nhập khẩu./.
File đính kèm: BaocaoTMDVT9.09.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư