Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã làm cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2009 giảm đáng kể.
|
Dây chuyền sản xuất dụng cụ nhà bếp tại một doanh nghiệp FDI
|
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng vốn đầu tư đăng ký gồm cả cấp mới và tăng thêm trong năm 2009 chỉ bằng 30% của 2008.
Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nguồn vốn FDI trên thế giới sẽ phục hồi trong ngắn hạn. Đây chính là cơ hội cần nhận diện để tăng cường các chính sách thu hút nguồn vốn này cho các kế hoạch phát triển.
Dấu hiệu tích cực từ trong suy giảm
Đúng như các dự báo đưa ra, FDI đã trở thành một trong hai lĩnh vực kinh tế của Việt Nam bị tác động nhanh nhất và mạnh nhất cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu; cho dù năm 2008, FDI vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao với kỷ lục 64 tỷ USD cam kết và gần 12 tỷ USD giải ngân.
Tốc độ thu hút FDI trung bình mỗi tháng trong năm 2008 đã lên trên 5,3 tỷ USD/tháng, cao nhất từ trước tới nay.
Thế nhưng, lượng vốn FDI đã sụt giảm ngay trong tháng đầu tiên của năm 2009. Cả quý I/2009 tổng vốn FDI cam kết mới chỉ được 6 tỷ USD và sau 2 quý mới đạt 8,7 tỷ USD cam kết và 4 tỷ USD giải ngân.
Tuy nhiên, với những nỗ lực vận động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính của các ngành các cấp, đến cuối năm 2009, tổng vốn FDI thu hút mới đã vươn lên con số 21,482 tỷ USD (bao gồm cả cấp mơi và tăng thêm vốn) với sự tham gia của 43 nhà đầu tư các nước, vùng lãnh thổ mà đứng đầu là Hoa Kỳ.
Mặc dù vốn đăng ký giảm mạnh nhưng vốn thực hiện trong năm 2009 vẫn duy trì ở mức khá. Tốc độ giải ngân 10 tỷ USD đã khiến cho khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện được giảm bớt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tuy FDI năm 2009 đạt thấp nhưng vẫn là con số cao trong bối cảnh khủng hoảng, suy giảm nguồn FDI thế giới và cạnh tranh gay gắt.
Đáng lưu ý, kết quả này còn vượt hơn cả chỉ tiêu dự kiến của năm 2009 với con số hàng tỷ USD (Chỉ tiêu dự kiến là 20 tỷ USD cam kết, 8 tỷ USD giải ngân).
Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực FDI cũng đã nhanh chóng phục hồi, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua đáy suy giảm, duy trì tăng trưởng dương với tốc tộ tăng 5,32% so với năm trước.
Đặc biệt trong khi cả nước nhập siêu 12 tỷ USD thì khu vực FDI xuất siêu 5,03 tỷ USD.
Bộ KHĐT cho biết xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) năm 2009 đạt 29,9 tỷ USD, bằng 86,6 % so với năm 2008 và chiếm 52,7 % tổng xuất khẩu cả nước.
Nếu không tính dầu thô, khu vực FDI xuất khẩu 23,6 tỷ USD, chiếm 41,7 % tổng xuất khẩu và bằng 98% so với năm 2008.
Nhập khẩu của khu vực FDI năm 2009 đạt 24,8 tỷ USD, bằng 89,2% so với năm 2008 và chiếm 36,1% tổng nhập khẩu cả nước.
Tuy nhiên, xu hướng sau khủng hoảng của các nhà đầu tư nước ngoài là cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các dự án đang được triển khai thực hiện và cả các dự án đang trong quá trình đàm phán.
Cơ cấu FDI vào Việt nam trong năm 2009 đã cho thấy một sự chuyển dịch rõ nét khi mà lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống trở thành lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với 8,8 tỷ USD cam kết.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 7,6 tỷ USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là lĩnh vực có có quy mô vốn FDI đăng ký lớn nhưng lại đứng thứ ba trong năm 2009 với 2,97 tỷ USD.
Các chuyên gia cảnh báo cần theo sát các động thái phát triển để có các phản ứng chính sách nhanh nhạy và phù hợp nhằm tận dụng các thời cơ mới xuất hiện; đồng thời có giải pháp khắc phục các khó khăn mới nảy sinh để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Cơ hội phục hồi và nâng cao
Theo các nhận định gần đây, đà phục hồi của nền kinh tế thế giới trong năm 2010 sẽ mạnh hơn so với năm 2009.
Luồng vốn FDI sẽ phục hồi trong ngắn hạn khi mà các nhà đầu tư ngày một lạc quan hơn về khả năng phục hồi và phát triển của nền kinh tế trong trung và dài hạn; các doanh nghiệp cũng tin tưởng hơn về khả năng vượt qua khủng hoảng và tận dụng đà tăng trưởng của mình.
Tiến sĩ Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia cho rằng mức độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, hiệu quả của các chính sách cứu trợ của các quốc gia trước sự khủng hoảng, sự phục hồi và ổn định hệ thống tài chính, năng lực của các công ty xuyên quốc gia, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi... sẽ quyết định mức độ phục hồi dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Với xu thế phục hồi này, Việt Nam được đánh giá là có nhiều triển vọng để nâng cao nguồn FDI.
Kết quả nghiên cứu mới nhất của tổ chức UNCTAD cho thấy, Việt Nam nằm trong 15 nước được đánh giá cao về môi trường đầu tư và là là điểm hấp dẫn cho FDI trong năm 2010.
Người ta nói rằng khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy luồng vốn FDI.
Các chính sách của Chính phủ Việt Nam về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi hoạt động các tổng công ty, tập đoàn đặc biệt là thông qua việc bán một số doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài... cũng sẽ tạo dòng cho vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam.
Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7% năm 2010, Chính phủ đang chủ trương, tiếp tục thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn FDI đã cam kết, có định hướng thu hút FDI vào các vùng một cách hợp lý và vào các lĩnh vực ưu tiên.
Vốn đăng ký mới dự kiến trong năm 2010 khoảng 19 tỷ USD, vốn tăng thêm dự kiến khoảng 3 tỷ USD.
Do dòng vốn đăng ký FDI của các năm trước đều ở mức cao và trong điều kiện nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, vốn thực hiện trong năm 2010 được dự kiến sẽ tăng hơn năm 2009 với mức 10-11 tỷ USD (tăng 10%).
Mặc dù khủng hoảng kinh tế vừa qua là nguyên nhân chính dẫn đến FDI vào Việt Nam giảm mạnh, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, còn có nguyên nhân từ những tồn tại yếu kém của nền kinh tế Việt Nam như sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật; chính sách về đầu tư, thủ tục vẫn còn rườm rà; hạ tầng cơ sở yếu; chi phí đầu vào còn ở mức cao; thiếu hụt nguồn nhân lực có đào tạo; công tác xúc tiến đầu thiếu tính chuyên nghiệp...
Các chuyên gia cho rằng những yếu kém trong nội tại vẫn là những rào cản làm hạn chế luồng vốn FDI. Đây chính là các vấn đề cần tập trung giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Ông Lê Đình Ân nêu rõ hiện tượng suy thoái của nền kinh tế trong thời gian qua mới chỉ là sự phản ánh trên bề mặt nền kinh tế của những mất cân bằng bên trong.
Những tác động của khủng hoảng cho thấy các quốc gia trong đó có Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng thay vì số lượng. Việc chú trọng chất lượng, nâng cao giám sát chất lượng là chính sách cần thiết để cải thiện nội lực của nền kinh tế./.