1. Tình hình chung:
Từ đầu năm tới nay khu vực Miền Trung phải gánh chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài, Tây Nguyên bị hạn, thiếu nước, mưa lũ ở Miền Trung đầu tháng 9 gây ngập úng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Bên cạnh đó, giá cả nhiều nông sản giảm mạnh từ cuối năm 2008, sản xuất không có lãi hoặc lãi ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn,...
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục tác động mạnh đến ngành nông nghiệp đang là ngành sản xuất hướng mạnh ra xuất khẩu. Giá nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới đã giảm mạnh (giá các mặt hàng nông sản chủ lực giảm từ 20-50%), kim ngạch xuất khẩu lâm sản, thủy sản gặp khó khăn, đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; môi trường cạnh tranh trên thế giới và trong nước gay gắt hơn.
2. Sản xuất một số cây trồng chính:
Lúa mùa: Tính đến ngày 15/9/2009, tổng diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.704 ngàn ha, bằng 102,6% so với cùng kỳ 2008. Các tỉnh miền Bắc đã cơ bản hoàn thành diện tích gieo cấy đạt 1.237 ngàn ha, bằng 102.6% cùng kỳ 2008, các tỉnh phía Nam, ngoài việc tập trung thời gian thu hoạch lúa hè thu đã triển khai xuống giống lúa mùa đạt khoảng 491.6 ngàn ha, bằng 102.4% so cùng kỳ năm trước, trong đó ĐBSCL với hơn 1,5 triệu ha, chiếm 85% tổng diện tích thu hoạch.
Hiện nay, tại các tỉnh miền Bắc, trừ một số địa bàn vùng núi còn rải rác gieo thêm lúa nương, cấy lúa ở các chân ruộng cao, các địa phương còn lại đang tập trung làm cỏ, bón phân, tới nước cho lúa trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, trà lúa mùa cực sớm và sớm đang vào giai đoạn làm đòng già, trỗ bông và ngậm sữa; trà lúa mùa chính vụ và muộn đang ở thời kỳ đẻ rộ và phân hóa đòng.
Lúa hè thu: Tại địa bàn Bắc Trung bộ, lúa hè thu đã chín, chuẩn bị cho thu hoạch, trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi.
Các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được 1780 nghìn ha, bằng 87.2% diện tích gieo cấy và bằng 99.9% cùng kỳ năm 2008.
Ngoài lúa, trong tháng các địa phương tiếp tục gieo trồng và thu hoạch rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ hè thu và vụ mùa. Tính đến ngày 15/9/2009, tổng diện tích gieo trồng các cây màu lương thực trong cả nước đạt gần 1,5 triệu ha ha, bằng 94.6% so với cùng kỳ năm trước, ngô (940 nghìn ha) bằng 97.2%, khoai lang (121.4 nghìn ha) bằng 90.3% cùng kỳ 2008, sắn 425 nghìn ha bằng 91.1 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước.
Tổng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày đạt 655 ngàn ha, tăng 1,8% so cùng kỳ. Gieo trồng rau, đậu các loại đạt 672 nghìn ha, tăng 1,6% so cùng kỳ.
Nếu thuận lợi về thời tiết, sản lượng thóc năm 2009 ước đạt 39,2 triệu tấn, tăng khoảng 1,1% so với năm 2008, đảm bảo được an ninh lương thực trong nước (BQ đầu người đạt 505 kg) và thực hiện được chỉ tiêu xuất khẩu gạo 5,5 - 6,0 triệu tấn. Ngô tiếp tục phát triển tốt; Diện tích ngô ước đạt 1.170 nghìn ha, tăng khoảng 3,9% so với 2008; sản lượng ước đạt 5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2008, vượt 0,5 triệu tấn so với kế hoạch 2009. Tính chung, sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 44,2 triệu tấn (Quốc hội thông qua là 43 triệu tấn), tăng 0,7 triệu tấn so với năm 2008.
Diện tích một số cây ăn quả vẫn tăng 820.000 ha, chủ yếu là cây có múi, xoài do nhu cầu trong nước tăng. Một số cây khác do quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khó khăn về thị trường nên diện tích giảm. Nhãn giảm 10 nghìn ha, dứa giảm 4.600 ha, vải, trôm trôm giảm 2.400 ha so với năm trước.
Cà phê:
Thời tiết năm nay thuận lợi cho phát triển cà phê. Giá cà phê nhân khoảng 25.000 đồng/kg, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức khá cao, người trồng cà phê vẫn có lãi (lãi khoảng 25%). Diện tích cà phê năm 2009 ước đạt 527 nghìn ha, chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, năng suất gần 2,1 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1.109 nghìn tấn, tăng 53,2 nghìn tấn so với 2008, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội thông qua là 980 nghìn tấn. Các tỉnh miền núi phía Bắc trồng mới 460 ha cà phê chè.
Cao su:
Nhu cầu tiêu thụ cao su giảm nên giá giảm. Tính bình quân 8 tháng, giá xuất khẩu cao su khoảng 22-23 triệu đồng/tấn mủ khô, giá thành cao su ở các công ty khoảng 20-22 triệu đồng (lương công nhân giảm theo, tiết kiệm chi phí sản xuất nên giá thành giảm), giá thành cao su tiểu điền vào khoảng 15-17 triệu đồng/tấn mủ khô, người sản xuất vẫn có lãi tuy có giảm nhiều so với năm 2008. Thời tiết năm nay thuận lợi cho phát triển cây cao su. Diện tích cao su năm 2009 ước đạt 648 nghìn ha, năng suất 17 tạ/ha, sản lượng 710 nghìn tấn vượt so với mục tiêu kế hoạch do Quốc hội thông qua là 646 nghìn tấn.
Rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá ở các tỉnh phía Nam:
Diện tích nhiễm rầy nâu trên lúa Đông Xuân trong tuần là 16.100 ha (giảm 26.953 ha so với tuần trước). Mật số rầy nâu phổ biến từ 1.000 – 1.500 con/m2, nơi cao 4.000-7.000 con/m2. Rầy nâu trên đồng ruộng phổ biến ở tuổi trưởng thành và rải rác rầy tuổi 5.
Trên lúa Hè Thu sớm 2009: Diện tích nhiễm rầy nâu trong tuần là 8.924 ha (giảm 4.310ha so với tuần trước), mật số rầy nâu phổ biến 750-2.000 con/m2, nơi cao 3.000-4.000 con/m2. Rầy nâu trên đồng ruộng phổ biến tuổi trưởng thành.
Tình hình rầy vào đèn trong tuần: rầy trưởng thành vào đèn hầu hết tăng cao ở đầu tuần và giảm dần ở cuối tuần, mật số rầy nâu vào đèn cao tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tây Ninh.
- Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá: Trên lúa Hè Thu sớm 2009 chưa thấy xuất hiện bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
Biện pháp:
- Nắm chặt diễn biến của rầy nâu trên trà lúa Đông Xuân 2008-2009 và Hè Thu sớm 2009, phối hợp với các Chi cục BVTV tỉnh tổ chức ra quân phun trừ rầy nâu khi có mật số cao không để cho rầy nâu có điều kiện tích lũy mật số gây hại và lan truyền bệnh VL, LXL.
- Chỉ đạo xuống giống lúa vụ Xuân Hè tại những vùng đã được quy hoạch theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm tránh thiệt hại do rầy nâu di trú truyền virút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho lúa và hạn chế lây lan mầm bệnh sang trà lúa vụ Hè Thu chính vụ ở ĐBSCL. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tổng hợp phòng trừ rầy nâu bệnh vàng lùn lùn xoắn lá
- Tiếp tục theo dõi bẫy đèn để xác định lịch xuống giống lúa Hè Thu chính vụ 2009 cụ thể cho từng vùng theo hướng đồng loạt, tập trung cho từng cánh đồng, và “né rầy” để hạn chế thấp nhất rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
- Các địa phương đã xuống giống lúa Hè Thu sớm cần tích cực điều tra, phát hiện sớm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá và vận động nông dân nhổ huỷ cây lúa bệnh nếu có để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, kéo dài sang Hè thu chính vụ và các vụ sau.
- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của sinh vật hại và chủ động phòng trừ những diện tích cây trồng có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao.
3. Chăn nuôi:
Sản xuất chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2009 phát triển tốt hơn so với cùng kỳ 2008. Giá cả thức ăn và giá bán sản phẩm tương đối ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, với giá bán sản phẩm ở mức thấp như hiện nay thì người chăn nuôi lợn và gia cầm lãi ít đã ảnh hưởng đến tốc độ mở rộng quy mô đàn.
Tình hình chăn nuôi gia súc lớn trong tháng 9/2009 phát triển ổn định. Giá sữa tươi thu mua cho nông dân đang ổn định ở mức 7400-8100 đồng/lít có lợi cho nông dân. Công ty sữa Quốc tế triển khai vùng nguyên liệu sữa bò tại Ba Vì, hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa và bán sữa cho Công ty. Được sự đồng ý của UBND tỉnh và các ban ngành, Công ty THMILK (Nghệ An) đang triển khai xây dựng dự án phát triển chăn nuôi và chế biến sữa tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) với quy mô 30.000 con. Trong khoảng từ 11/2009 - 3/2010, Công ty dự kiến sẽ nhập 2.400 bò HF hậu bị từ Niu Di-lân để triển khai dự án chăn nuôi bò sữa thâm canh với công nghệ và tư vấn của Ix-ra-en.
Tình hình chăn nuôi dê, cừu đang phục hồi. Giá dê, cừu lên cao thuận lợi cho người chăn nuôi ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Tình hình dịch bệnh:
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 21/9/2009, cả nước không còn địa phương nào có dịch cúm gia cầm, cả nước còn Bạc Liêu có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Hiện nay, cả nước còn 12 tỉnh là Quảng Nam, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Đắc Lắc, Nghệ An, Yên Bái, Sơn La có dịch LMLM chưa qua 21 ngày. Ngày 18/9/2009. tại Đắc Lắc phát hiện thêm 1 xã có dịch.
Lãnh đạo Cục Thú y, các cơ quan thú y vùng đi chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
4. Lâm nghiệp:
Thời tiết trong tháng 9 có mưa nhiều thuận lợi cho việc trồng rừng đặc biệt là các tỉnh miền Bắc. Ước tính đến hết tháng 9 năm 2009, diện tích trồng rừng tập trung trên cả nước là 146.7 nghìn ha, đạt 64.5% kế hoạch, tăng 5.1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 33.7 nghìn ha, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước, đạt 56.2% kế hoạch. Rừng sản xuất trồng được 113 nghìn ha, giảm 2.3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 67.5% kế hoạch. Chăm sóc rừng trồng đạt 197.9 nghìn ha, tăng 32.2% kế hoạch và bằng 87.7% so với cùng kỳ năm trước. Trồng cây nhân dân đạt 163 triệu cây, bằng 81.5% kế hoạch và bằng 98.7% so với cùng kỳ năm trước. Khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng dặm đạt 720 nghìn ha, vượt 42.2% kế hoạch và vượt 10.7% so với cùng kỳ năm trước. Khoán quản lý bảo vệ rừng đạt 2.286 nghìn ha, vượt 50% kế hoạch và bằng 83.8% so với cùng kỳ năm trước. Thực hiện khai thác gỗ đạt 2.851 nghìn m3, đạt 58.9% kế hoạch.
5. Thuỷ sản:
Khai thác thủy sản:
Hoạt động khai thác trên biển trong tháng của các tàu bị giảm. Nguyên nhân sản lượng thuỷ sản đánh bắt giảm so với tháng trước là do giá các loại thuỷ hải sản tiếp tục giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng và tình hình khai thác bị ảnh hưởng của các đợt bão, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi. Tình hình tàu của một số địa phương bị phía nước ngoài bắt giữ khi đang đánh bắt trên biển vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến việc bám biển sản xuất của ngư dân. Các nghề khai thác chính như lưới cản, lưới vây…đạt sản lượng trung bình. Tuy nhiên, do giá dầu tăng đã kéo theo chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi giá thu mua không tăng nên ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân.
Tháng 9/2009, sản lượng khai thác ước đạt 176 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng khai thác thuỷ sản 9 tháng năm 2009 lên 1.678 ngàn tấn, bằng 76.3% so với kế hoạch, tăng 6.1% so với cùng kỳ. Trong đó khai thác biển ước đạt 1.542 ngàn tấn, khai thác nội địa ước đạt 136 ngàn tấn.
Nuôi trồng thủy sản:
Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 9/2009 ước đạt 247 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng năm 2009 lên 1.945 ngàn tấn, bằng 81% kế hoạch, tăng 6.5% so với cùng kỳ năm 2008.
Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2009 ước đạt 4,92 triệu tấn, tăng 6,8% so với năm 2008. Tốc độ tăng giá trị sản lượng thủy sản chỉ tăng 3,7% so với 2008, chỉ tiêu này thấp hơn so với năm 2008 là 6,7%.
6. Giá cả thị trường:
Lương thực: Giá lúa gạo nhìn chung không có biến động lớn. Giá lúa giảm so với tháng trước, lúa tẻ thường phổ biến ở mức 3400-4100 tùy loại; lúa OMCS khoảng 4000đ/kg- 4100đ/kg, lúa IR 50404 khoảng 3400đ/kg- 3550đ/kg giảm 100đ/kg so tháng trước, lúa Jasmine mới khoảng 4800đ/kg-4900đ/kg, tăng 200đ/kg. kéo theo giá gạo giảm tuy biên độ không lớn, dao động trong khoảng 6200-11000đ/kg tùy loại; gạo Jasmine khoảng 8500-9000/kg, gạo CLC khoảng 9500-11000đ/kg, gạo IR50404 dao động trong khoảng 5800- 6000đ/kg, giảm 400đ/kg
Thịt lợn: lợn hơi khoảng 28.000-30.000đ/kg (giảm 2000-3000đ/kg), giá lợn đùi giảm ở mức 60000đ/kg (giảm khoảng 2000đ/kg), giá thịt nạc vai 62000đ/kg (giảm 3000đ/kg), thịt rọi 55000đ/kg (giảm 3000đ/kg).
Các loại thực phẩm khác không nhiều biến động: giá các loại thịt gà, bò, tôm, cá ít biến động: vịt hơi khoảng 19000-20000đ/kg, giá thịt bò khoảng 90.000-100.000 ngàn đ/kg (đứng giá), thịt gà hơi 70.000đ/kg (giảm 5000đ/kg); tôm càng xanh khoảng 160 ngàn/kg; cá tra 22000đ/kg; cá diêu hồng 28.000-30.000 đ/kg.
Giá các loại rau xanh nhìn chung giảm so với tháng trước: Cải xanh 4500đ/kg (giảm 500đ/kg); rau cải ngọt 4000đ/kg (giảm 500đ/kg), rau muống 6000đ/kg (tăng 500đ/kg), xà lách 7000đ/kg (tăng 1000đ/kg), hành tươi 6000đ/kg (đứng giá), cà chua 6000đ/kg (đứng giá).
Vật tư nông nghiệp: Giá phân bón trong nước ổn định: Giá urê Trung Quốc khoảng 5800đ/kg (giảm 1000đ/kg), giá Urê Phú Mỹ sản xuất 5800đ/kg (giảm 300đ/kg), Urê Liên Xô 6000đ/kg (giảm 200đ/kg); phân lân 10700-11400đ/kg (giảm 200-300đ/kg); phân DAP (Philipin nhập khẩu) 13000đ/kg (giảm 1000đ/kg), DAP Trung Quốc 7400đ/kg (giảm 400đ/kg)
7. Tình hình thiên tai đến ngày 20/9/2009
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 2/9 đến 8/9 /2009 tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Trịđến Quảng Ngãi đã có mưa to, đây là đợt lũ đầu mùa nhưng tổng lượng mưa và cường độ mưa rất lớn gây ngập úng trên diện rộng; lượng mưa tại các tỉnh phổ biến từ 400 đến 600 mm, một số nơi lên đến 1000 mm. Mưa lớn tập trung và dài ngày gây ngập úng lớn và gây thiệt hại nặng:
Tình hình thiệt hại: các tỉnh miền Trung từ Quảng Trịđến Quảng Ngãi:
+Về người: 08 người chết (Thừa Thiên - Huế:02; Đà Nẵng:01; Quảng Nam: 04; Quảng Ngãi: 01), nguyên nhân chủ yếu do chủ quan trong đi lại bị lũ cuốn.
+ Về sản xuất nông nghiệp:21.457 ha diện tích lúa hè thu bị ngập, trong đó 5.613 ha ngập dài ngày, lúa đã lên mông gần như mất trắng, 16.587 ha lúa đang thu hoạch dự kiến giảm năng suất từ 30 đến 50%.
+ Cơ sở hạ tầng: Chủ yếu là đường giao thông ở các huyện miền núi: khối lượng đất đá bị sạt lở: 886.660 m3.
Ước tổng thiệt haị theo báo cáo của các tỉnh: 477 tỷ đồng, trong đó:
Quảng Trị226 tỷ đồng, Thừa Thiên – Huế 35 tỷ đồng, Đà Nẵng 75 tỷ đồng, Quảng Ngãi 40 tỷ đồng.
Hiện nay, các Bộ ngành đang trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương miền Trung: Dự kiến 50 tỷ đồng và 7.000 tấn gạo.
8. Tình hình thực hiện vốn đầu tư XDCB tập trung:
9. Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm:
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng, chủ động phòng chống rét trâu, bò trong mùa đông năm 2009.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của một số ngành hàng có số lượng lớn đang bị giảm giá và khó tiêu thụ như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, đồ gỗ nhằm duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất và đảm bảo kim ngạch xuất khẩu năm 2009.
- Chuẩn bị tốt điều kiện sản xuất về giống, vật tư, phân bón, vốn, thực hiện thắng lợi vụ sản xuất hè-thu và vụ mùa năm 2009.
- Triển khai các nhiệm vụ về trồng và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, chặt phá rừng trái pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách, nhất là từ các gói kích cầu đầu tư của Chính phủ.
- Tăng cường thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo lâu dài cho các vùng khó khăn và các hộ dễ bị tổn thương, thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc nghèo./.
File đính kèm: BaocaoNongnghiepT9.09.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiêp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư