Các nhà khoa học gần đây thừa nhận, trái đất có thể duy trì mức tăng nhiệt độ thấp dưới mức độ nguy hiểm 2° C (3,6° F) nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được cắt giảm một nửa từ nay tới năm 2050.
|
Thế giới phải cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2050 để duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C
|
Để thực hiện được mục tiêu trên, con người cần phải thực hiện một “cuộc cách mạng xanh về công nghiệp” từ nay tới năm 2014, tập trung các khoản đầu tư lớn chuyển từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng khác thay thế có mức thải carbon thấp hơn như năng lượng gió và mặt trời.
Kết quả nghiên cứu trên được đưa ra trong một báo cáo gần đây của Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) bên lề Hội nghị về biến đổi khí hậu tổ chức tại London, Anh, quy tụ các Bộ trưởng Môi trường thuộc 17 nước thải tổng cộng 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới.
Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo
Báo cáo gợi ý, con người sẽ phải chuyển sang sử dụng xe hơi chạy bằng điện và ứng dụng các công nghệ xanh khác để cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Anh đưa ra lời cảnh báo biến đổi khí hậu có thể dẫn tới tổn thất lớn hơn cuộc đại suy thoái kinh tế thập niên 1930 và hai cuộc chiến tranh thế giới gộp lại và kêu gọi lãnh đạo các nước thông qua một thỏa thuận để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh Ed Miliband thông báo, nước này sẽ đặt ra áp lực buộc các nước phát triển, bao gồm cả Mỹ, chấp thuận các mục tiêu cam kết về cắt giảm lượng khí thải carbon.
WWF cho rằng cả nước phát triển và nước đang phát triển cần phải bắt đầu đầu tư phát triển năng lượng thay thế và kêu gọi người dân thay đổi thói quen sử dụng năng lượng.
Bản báo cáo sử dụng các mô hình kinh tế để tính toán thời gian công nghệ phát triển đủ để cắt giảm lượng khí thải 50%.
Theo Tiến sĩ Keith Allott, Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới (WWF), “nếu chúng ta đợi tới năm 2014 để bắt đầu giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ còn quá ít thời gian để đảm bảo các biện pháp giảm thiểu khí thải các carbon được áp dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả."
Bản báo cáo cũng kêu gọi cần tăng thêm nỗ lực và hành động để giảm bớt lượng khí thải hướng tới các nền kinh tế phát thải thấp và không phát thải carbon trước khi quá muộn.
Một báo cáo độc lập khác được đưa ra bởi Quỹ Kinh tế học mới của Anh, thế giới sẽ phải bỏ ra 2.500 tỷ bảng Anh để giải quyết hậu quả biến đổi khí hậu như lụt lột, hạn hán và khan hiếm nước sạch vào năm 2050. Tuy nhiên, “biện pháp giảm phát thải carbon” như thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm 1.300 tỷ bảng Anh chi phí về môi trường./.