Mỹ và châu Á cần phối hợp hành động để tránh tình trạng mất cân bằng "không thể chống đỡ được" trong thương mại và các luồng vốn, là nhân tố có thể gây bất ổn hệ thống tài chính toàn cầu.
|
Các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán New York
|
Trên đây là nhận định của ông Ben Bernanke, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra ngày 19/10 tại một hội nghị về châu Á và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, diễn ra tại California, Mỹ.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu này cho rằng người dân Mỹ cần tiết kiệm hơn, trong khi đa số các nền kinh tế châu Á cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng. Ông cho rằng các nền kinh tế châu Á đều đang dần vượt qua khủng hoảng, nhưng vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Chủ tịch Bernanke nêu rõ tại châu Á, các chính sách kinh tế nhằm tăng thặng dư thương mại đã bóp méo mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp nội địa và sự phân phối nguồn lực, dẫn tới một nền kinh tế ít có khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước trong dài hạn.
Trong khi đó, theo ông, tình hình tại Mỹ đang theo chiều hướng ngược lại, đó là người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng nhập khẩu giá rẻ và hạn chế tiết kiệm, khiến thâm hụt thương mại và vốn tăng vọt.
Chủ tịch Bernanke cho rằng để đạt được sự tăng trưởng kinh tế cân bằng và lâu bền hơn, giảm các nguy cơ gây bất ổn tài chính, các nước cần tránh tình trạng mất cân bằng thương mại và các luồng vốn, đang tăng mạnh hơn bao giờ hết và không thể chống đỡ được hiện nay.
Những nhận định trên của người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ được đưa ra sau khi Mỹ công bố mức thâm hụt ngân sách kỷ lục 1.400 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua. Đây là mức thâm hụt cao gấp 3 lần mức 455 tỷ USD của năm trước và cao nhất của Mỹ kể từ năm 1945./.