Trong khuôn khổ chuyến thăm Ủy ban châu Âu (EC), ngày 18/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi gặp và làm việc với Ủy viên Thương mại EC Karel de Gucht tại trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussels (thủ đô Vương quốc Bỉ).
|
Sản xuất sợi xuất khẩu sang thị trường khối EU
|
Tại cuộc hội đàm, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thuơng mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ...; nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, làm cơ sở quan trọng tăng cường hợp tác sâu rộng và toàn diện trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Việt Nam luôn coi EU là một đối tác quan trọng hàng đầu, có vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình, chủ trương xây dựng mối quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trở thành "quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện và lâu dài, vì hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới."
Hai bên đã trao đổi về công tác chuẩn bị cho chuyến thăm EU vào tháng 10/2010 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; nhất trí coi đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đưa quan hệ hai bên phát triển lên tầm cao mới.
Hai bên đánh giá ý nghĩa quan trọng của việc đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) giữa Việt Nam và EU, văn kiện nền tảng cho hợp tác giữa Việt Nam và EU trong 10-15 năm tới; nhất trí cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ cả hai phía để có thể sớm hoàn tất đàm phán và ký tắt Hiệp định này nhân chuyến thăm chính thức EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hai bên trao đổi các biện pháp và phương hướng lớn nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hoan nghênh đề xuất của EU về việc khởi động đàm phán Hiệp định Tự do Mậu dịch (FTA) song phương với Việt Nam; khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác với EU đẩy nhanh quá trình chuẩn bị kỹ thuật cho việc khởi động đàm phán FTA giữa hai bên.
Phó Thủ tướng đề nghị EU xem xét cấp lại quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam; cho rằng việc EU sớm đáp ứng các đề nghị tăng cường hợp tác kinh tế của Việt Nam, trong đó có việc chấm dứt áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm giày mũ da và xe đạp của Việt Nam xuất sang thị trường EU, cũng như sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, sẽ tạo cơ sở quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên./.