Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/06/2010-16:18:00 PM
Việt Nam chủ động, tích cực tiến hành thí điểm mô hình Một Liên hợp quốc
Việt Nam đã chủ động, tích cực tiến hành thí điểm mô hình Một Liên hợp quốc trong khuôn khổ Sáng kiến DaO, phù hợp với yêu cầu và lợi ích quốc gia và nguyên tắc hợp tác, đối tác phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp

Phiên họp Cấp cao của Hội nghị quốc tế về Sáng kiến Thống nhất hành động của Liên Hợp Quốc (Sáng kiến DaO) được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, ngày 16/6, với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao đến từ 8 nước thí điểm thực hiện Sáng kiến DaO, hơn 22 nước tài trợ và có quan tâm đến tiến trình cải cách của Liên hợp quốc (LHQ), đại diện cấp cao của LHQ, các tổ chức quốc tế, các đoàn ngoại giao tại Việt Nam…
Sáng kiến Một Liên hợp quốc vì lợi ích phát triển chung
Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng sau 65 năm tồn tại và phát triển, LHQ đã có nhiều đóng góp to lớn cho hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới; đồng thời, cũng cho thấy LHQ cần được cải tổ toàn diện để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ đã được Hiến chương LHQ giao phó, đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu của tình hình mới.
Cùng với nỗ lực tăng cường vai trò của Đại hội đồng, cải tổ Hội đồng Bảo an, các quốc gia thành viên mong muốn đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống các tổ chức phát triển của LHQ để LHQ có thể hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).
Xuất phát từ mong muốn đó và vì lợi ích phát triển của chính mình, tám quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tự nguyện tiến hành thí điểm thực hiện Sáng kiến DaO.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, với sự chủ động của Chính phủ các nước thí điểm và nỗ lực của các tổ chức LHQ, sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, Sáng kiến trên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các nước. Sau hơn ba năm triển khai, đã có thêm nhiều nước tự nguyện tham gia và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đi đầu thực hiện Một LHQ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, hai năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được duy trì ở mức khá cao, an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo, các nỗ lực xoá đói giảm nghèo tiếp tục đạt kết quả tích cực, những thành quả thực hiện các MDG được củng cố và nâng cao.
Trên nền tảng đó, Việt Nam đang xây dựng và chuẩn bị bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tiếp theo với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Việt Nam sẽ tập trung vào 3 đột phá chiến lược là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong sự nghiệp phát triển của mình, Việt Nam luôn lấy nội lực làm nền tảng, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam trân trọng từng đồng vốn hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và luôn làm hết sức mình để sự hỗ trợ đó được sử dụng hiệu quả nhất phục vụ cho quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Vì vậy, Việt Nam đã chủ động, tích cực tiến hành thí điểm mô hình Một Liên hợp quốctại Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến DaO, phù hợp với yêu cầu và lợi ích quốc gia và nguyên tắc hợp tác, đối tác phát triển.
Chính phủ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức LHQ xây dựng các chương trình hợp tác hiệu quả và ngày càng mang tính chiến lược lâu dài, toàn diện. Đặc biệt, vai trò làm chủ của Chính phủ qua việc thực hiện Sáng kiến này ngày càng được nâng cao, đảm bảo tiếng nói quyết định của Chính phủ trong quá trình hợp tác với các tổ chức LHQ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Sáng kiến còn là đóng góp của Việt Nam, cũng như các nước thí điểm khác, đối với quá trình cải tổ LHQ và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về tăng cường thống nhất toàn hệ thống và về các hoạt động phát triển của LHQ.
Nhân rộng mô hình phù hợp với lợi ích mỗi quốc gia
Để tiếp tục triển khai thành công Sáng kiến DaO tại Việt Nam và các nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị cũng như Tuyên bố của Hội nghị tập trung vào một số vấn đề.
Một là, các nước thí điểm cần tiếp tục đi đầu trong việc triển khai Sáng kiến này, tăng cường tính làm chủ và vai trò lãnh đạo của Chính phủ. Sau hơn 3 năm triển khai, cần tiến hành tổng kết những bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện tại các nước thí điểm để từ đó chia sẻ rộng rãi với các nước, tạo điều kiện cho việc nhân rộng mô hình này trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia.
Hai là, đề nghị LHQ tiếp tục nỗ lực cùng các nước triển khai Sáng kiến này, trong đó có việc xem xét thể chế hoá một số kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện thí điểm.
Ba là, để triển khai thành công Sáng kiến DaO, sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ có vai trò hết sức quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ Sáng kiến này, cung cấp tài chính ổn định cho các hoạt động phát triển của LHQ cũng như trên cơ sở song phương.
“Cải cách là một quá trình lâu dài và nhiều thách thức, đòi hỏi cam kết và nỗ lực bền bỉ của các quốc gia cũng như của LHQ. Điều quan trọng là thành công của cải cách sẽ đem lại những kết quả to lớn, đóng góp vào nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, nâng cao đời sống của mỗi người dân chúng ta. Với cam kết mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan trong tiến trình này, Sáng kiến DaO nhất định sẽ đạt những kết quả tốt đẹp như mong muốn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Sau phiên khai mạc toàn thể, trong ngày 16/6, Hội nghị tiếp tục các cuộc họp, thảo luận và thông qua Tuyên bố Hà Nội làm rõ định hướng của Sáng kiến DaO, khẳng định lại sự cam kết của Chính phủ các nước thí điểm, các nước tự nguyện thực hiện cách tiếp cận DaO, các nhà tài trợ và hệ thống LHQ tiếp tục hành động nhằm đảm bảo hệ thống phát triển của LHQ thống nhất hành động một cách hiệu quả hơn ở cấp quốc gia./.
Văn Hiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1013
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)