Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/11/2009-14:09:00 PM
Các nước Bắc Âu phản đối thuế chống phá giá giày da Việt Nam

Bản tin điện tử của tờ Fashionunited.com ngày 3/11 cho biết tất cả các nước thành viên khu vực Bắc Âu nhất trí nên bãi bỏ thuế chống phá giá đối với sản phẩm da giày từ Việt Nam và Trung Quốc - hai nhà xuất khẩu lớn ở châu Á.
Trong khi đó, các nước ở Nam Âu thì đề nghị nên tiếp tục áp dụng loại thuế này. Vì vậy, quyết định cuối cùng về việc có tiếp tục áp thuế chống phá giá hay không đối với giày xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc giờ đây phụ thuộc vào ý kiến của các quốc gia thành viên ở khu vực Trung và Đông Âu.
Theo kế hoạch, quy định thuế chống phá giá đối với giày nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc lẽ ra đã chấm dứt vào năm 2008, nhưng sau các cuộc bàn thảo trong Liên minh châu Âu (EU), quy định này được gia hạn thêm một năm nữa.
Tờ "De Standaard" của Bỉ dự đoán có thể điều này sẽ lặp lại trong năm nay. Báo này trích dẫn một văn kiện của Hội đồng châu Âu nói rằng các nhà sản xuất giày của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian ngắn và trung hạn nếu bãi bỏ thuế chống phá giá đối với giày da nhập từ Việt Nam và Trung Quốc. Đó cũng là lý do mà họ được gia hạn thêm thời gian để tiến hành các điều chỉnh thích hợp.
Vẫn theo bản tin điện tử Fashionunited.com, các nước ủng hộ việc tiếp tục áp thuế là Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trong số các nước phản đối có Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Anh, Luxembourg, Đan Mạch, Phần Lan và Ireland.
Hà Lan viện dẫn lý do là vì biện pháp này giới hạn sự chọn lựa của người tiêu dùng, đẩy giá thành giày da tăng cao, dẫn tới hậu quả làm nhiều người mất việc. Chính phủ Đức cũng mạnh mẽ phản đối việc áp thuế chống phá giá.
Một mặt, nước này không có ngành công nghiệp da giày. Mặt khác, hầu hết các nhà bán lẻ và các nhãn hiệu giày quan trọng nhất như Adidas và Puma đều nhập sản phẩm từ châu Á.
Tuy nhiên, số phận của việc áp loại thuế này sẽ không do bên chống hay bên thuận quyết định, mà tùy thuộc vào lá phiếu của các nước không có quan điểm rõ ràng trong cuộc tranh cãi như Áo, Slovenia, Malta, Síp, Pháp và một số nước Đông Âu.
Trước đó, bản tin ngày 9/10 của trang điện tử Topnews trích dẫn nguồn tin từ giới chức Bỉ cho biết theo dự kiến, EU sẽ gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giày da Việt Nam và Trung Quốc thêm 15 tháng nữa.
Các cuộc nghiên cứu đang được tiến hành để cân nhắc những ảnh hưởng của việc bãi bỏ thuế. EU sẽ ra quyết định cuối cùng ngay sau khi các cuộc khảo sát hoàn tất, dự kiến vào cuối năm nay. Từ nay tới lúc đó, thuế vẫn được áp dụng.
Kể từ năm 2006, EU nhất trí đánh thuế chống bán phá giá 16,5% đối với giày da Trung Quốc và 10% đối với giày da Việt Nam./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 870
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)