Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/12/2009-09:56:00 AM
Làm phong phú thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga
Trong suốt 60 năm qua, (Việt Nam và Liên Xô, mà Liên Bang Nga là thành phần chủ chốt, thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950), quan hệ hai nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực.

Dầu khí là một trong những lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Liên Bang Nga

Đó là các lĩnh vựcnhưchính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục... Thành tựu này còn đạt được cả trên bình diện song phương và đa phương. Chỉ tính từ năm 1991 khi Nga tuyên bố trở thành quốc gia độc lập, Việt Nam và Liên Bang Nga đã ký kết hơn 50 văn kiện hợp tác song phương.
Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam và Liên Bang Nga có cùng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực; hai bên luôn phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEAN, ARF...
Về hợp tác thương mại, kim ngạch giữa hai nước từ mức khoảng 350-400 triệu USD vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX đã lên tới hơn 1 tỷ USD vào năm 2007, trung bình tăng 15%/năm. Năm 2008, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,641 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2009, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,59 tỷ USD.
Về đầu tư, Nga hiện có 55 dự án với tổng số vốn là 302,9 triệu USD, đứng thứ 23/81 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có 11 dự án đầu tư vào Nga với số vốn 34 triệu USD, chủ yếu vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, giày dép và sản xuất đồ gỗ.
Dầu khí, năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống và hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Cùng với Liên doanh “Vietsovpetro”, con chim đầu đàn, động lực của hợp tác Nga – Việt, hai bên đã lập các liên doanh mới như Vietgazprom, Rusvietpetro và Gazpromviet để tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Nga và tiến tới ở các nước thứ ba.
Nga tiếp tục hợp tác tốt với Việt Nam trong việc hiện đại hóa và xây mới các công trình năng lượng tại Việt Nam. Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga cũng đang mở rộng hợp tác với Petrovietnam. Hai bên đang xem xét mở rộng hợp tác sang lĩnh vực điện hạt nhân.
Văn hóa, giáo dục là những lĩnh vực có thế mạnh trong quan hệ hợp tác Nga – Việt: Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước diễn ra sôi nổi, trong đó có việc tổ chức thường xuyên “Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam” và “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga”.
Nga hiện vẫn là một trong những nước góp phần đào tạo nguồn nhân lực chính cho Việt Nam. Hàng năm, Nga cấp cho Việt Nam khoảng 300 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học tại các trường của Nga. Ngoài ra, số lượng lưu học sinh Việt Nam du học tại Nga theo diện tự túc lên đến hơn 5.000 người. Hai bên đang xúc tiến thành lập trường Đại học quốc tế Kỹ thuật- Công nghệ Việt- Nga tại Việt Nam.
Quan hệ truyền thống Nga – Việt ngày càng phát triển, không chỉ do có truyền thống từ thời Liên Xô cũ, mà còn do chính sách đối ngoại mới của Nga dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin. Hiện nay, Nga thi hành chính sách đối ngoại linh hoạt, đa dạng hoá quan hệ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, tranh thủ hợp tác kinh tế với các đối tác khác nhau, tạo môi trường hoà bình ổn định cho đất nước phát triển.
Học thuyết mới về Chính sách đối ngoại của Nga đề ra những đường hướng cụ thể cho hoạt động đối ngoại của LB Nga trong 5 năm tới là: Quan hệ với các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) là ưu tiên hàng đầu; Quan hệ với Mỹ và phương Tây là hướng ưu tiên chính; Nga coi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chiến lược quan trọng và nhiều lợi ích đối với Nga, Nga chủ trương tích cực hội nhập và tham gia vào tất cả các cơ chế đối thoại của khu vực (ASEAN, ARF, APEC...), mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước ở khu vực, trong đó có các nước Đông Nam Á…
Trong những năm gần đây, quan hệ Nga – Việt ngày càng được thắt chặt hơn thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Chuyến thăm LB Nga từ 14-16/12/2009của Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng sẽ làm phong phú thêm quan hệ vốn đã trên mức đối tác thông thường giữa hai nước./.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1167
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)