Trong bài phát biểu trên đài phát thanh VRT (Bỉ) ngày 6/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã lên tiếng bảo vệ nền kinh tế nước này trước những đồn đoán về tình trạng tài chính khó khăn hiện nay.
|
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy
|
Ông Van Rompuy, trước đây từng là Thủ tướng Bỉ, khẳng định nước này có một "hồ sơ kinh tế" ổn định và sẽ vượt qua những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chính trị trong nước kéo dài suốt từ tháng Sáu đến nay vì chưa thành lập được chính phủ do những bất đồng sâu sắc giữa các đảng phái chính trị, đặc biệt giữa các đảng thuộc hai khu vực nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan.
Ông Van Rompuy nhấn mạnh "kể cả chưa thành lập được chính phủ trong năm 2011, Bỉ vẫn có thể đạt được mục tiêu của năm 2011 là duy trì thâm hụt ngân sách ở mức 4,1%."
Trong khi đó, phát biểu với báo giới ngày 6/12, Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders bày tỏ lo ngại rằng nếu khủng hoảng chính trị ở Bỉ - quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - vẫn tiếp diễn, nước này có thể bị đẩy vào tình thế hết sức nguy hiểm trong vài tuần tới.
Theo dự tính, nợ công của Bỉ sẽ lên tới 97,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay và 99,8% GDP vào năm tới. Mức lạm phát của Bỉ cũng tăng nhanh nhất trong số các nước EU, dự kiến là 2,3% trong năm nay. Tuy nhiên, ông Van Rompuy lại xem nhẹ những nguy cơ trên và cho rằng nên xem xét những yếu tố khách quan mang tính quyết định.
Ông Van Rompuy đồng thời cũng đề nghị các chính khách nước này không nên để tâm quá nhiều vào hoàn cảnh chính trị. Theo ông, bầu không khí tâm lý bao trùm đất nước này được quyết định bởi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài có thể trở thành một yếu tố quan trọng, nhưng rút cục chính những yếu tố khách quan sẽ có ý nghĩa quyết định.
Trong vai trò là Chủ tịch thường trực EU, ông Van Rompuy kêu gọi có sự phối hợp rộng rãi hơn tại châu Âu: "Chúng ta không cần phải có một chính sách đồng nhất ở mọi nơi, nhưng tất cả chúng ta nên hướng về cùng một phía."
Ông đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng châu Âu sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế hiện nay./.