Ngày 14/11, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, khẳng định châu Á có thể đóng vai trò hàng đầu định hướng nền kinh tế thế giới vào con đường phát triển mới, bền vững hơn.
|
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn.
|
Phát biểu tại Hội nghị của Cơ quan quyền lực tiền tệ Singapore, ông Strauss-Kahn nhấn mạnh vai trò trên không chỉ tương xứng với sức nặng kinh tế của châu Á, mà còn rất cần thiết vì châu lục này là bộ phận quan trọng của một giải pháp toàn cầu.
Chính sức mạnh của các nền kinh tế châu Á đã giúp châu lục này sớm thoát dần khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và đang dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á trong năm 2010 có thể đạt 5,75%, cao gần gấp đôi so với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhờ chính sách phản ứng nhanh, mạnh và hiệu quả chống khủng hoảng. Có thể nói, châu Á đã góp phần quan trọng hỗ trợ nền kinh tế thế giới phục hồi.
Ông Strauss-Kahn còn cho rằng bây giờ đang là thời điểm thích hợp để châu Á sử dụng tiếng nói mạnh mẽ của mình góp phần vào nỗ lực toàn cầu, định hình bức tranh kinh tế và tài chính thế giới sau khủng hoảng.
Để đảm bảo thành công dài hạn, châu Á cần thích nghi với những thách thức mới của nền kinh tế sau khủng hoảng, theo đó, nhu cầu của mỗi quốc gia và khu vực sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu lục.
Giám đốc điều hành IMF nhận định chính sự hiện diện mạnh mẽ của châu Á trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20) đã tạo cho châu lục này cơ hội đóng góp vào tiến trình định hình cấu trúc tài chính toàn cầu.
Hiện, IMF đang tìm kiếm các phương thức mới để tăng cường sự can dự của IMF với châu Á. Cải tổ hình thức quản lý IMF, trong đó tăng mạnh phần hạn ngạch của châu Á, là phần quan trọng của quá trình cải tổ này./.