Ngày 13/11, hơn 1.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của thế giới nhóm họp tại Hội nghị lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC CEO Summit 2009), tổ chức tại Singapore bên lề Hội nghị cấp cao APEC.
|
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại hội nghị.
|
Được khởi xướng từ năm 1996, hội nghị thường niên các lãnh đạo doanh nghiệp APEC là sự kiện lớn nhất của giới doanh nghiệp trong khu vực. Chủ đề của hội nghị này năm nay là "Tái thiết nền kinh tế toàn cầu: Khủng hoảng và cơ hội".
Nhiều nhà lãnh đạo các nước trong khu vực, trong đó có Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng tham dự hội nghị này.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đều cho rằng các nước phải phối hợp chặt chẽ trong việc ngừng các kế hoạch kích thích kinh tế để tránh ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế và lòng tin tiêu dùng.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang thoát khỏi khủng hoảng, do đó, ổn định kinh tế và duy trì lòng tin là hết sức quan trọng".
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick khẳng định "lòng tin tiêu dùng là nhân tố quyết định thời điểm trả lại cho khu vực tư nhân vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đưa ra đề xuất 4 điểm để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo đó, đẩy mạnh tự do hóa và tạo thuận lợi cho đầu tư và buôn bán; thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế; gia tăng chuyển đổi các mô hình phát triển kinh tế với các ý tưởng sáng tạo.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho rằng một loạt biện pháp mà Trung Quốc áp dụng nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang giúp nền kinh tế nước này phục hồi nhanh, đồng thời hỗ trợ nỗ lực quốc tế giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính và phục hồi kinh tế thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng các kế hoạch kích thích kinh tế lớn của chính phủ các nước châu Á, đứng đầu là Trung Quốc với khoản chi 585 tỷ USD, giúp khu vực này thoát khỏi suy thoái tốt hơn Mỹ và châu Âu./.