Trang điện tử của Tổ hợp Tin tức về Dệt may, có trụ sở tại bang California (Mỹ), vừa có bài nhận định dệt may đã vượt dầu khí để trở thành ngành hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
|
Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 7,5 tỷ USD hàng dệt may.
|
Cũng theo trang tin này, Chính phủ Việt Nam dự tính trong năm nay, ngành dệt may sẽ mang về cho đất nước 9,3 tỷ USD từ xuất khẩu, tăng 3% so với năm 2008.
Trang tin này cũng trích dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 7,5 tỷ USD hàng dệt may, chủ yếu là sang Mỹ và châu Âu.
Ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng kể từ khi Chính phủ Mỹ chấm dứt cơ chế giám sát hàng nhập khẩu đối với một số mặt hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này từ đầu năm 2009.
Trước đó, do lo sợ Việt Nam có thể bán phá giá hàng dệt may tại thị trường Mỹ, chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush bắt đầu giám sát chặt chẽ giá nhập khẩu mặt hàng này từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1/2007 để xác định có đánh thuế chống bán phá giá hay không.
Theo chương trình này, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiến hành các đợt rà soát 6 tháng/lần các số liệu nhập khẩu của 5 nhóm hàng may mặc khác nhau từ Việt Nam, gồm quần, áo sơmi, đồ lót, đồ bơi và áo len. Sau các đợt rà soát, DOC thấy không đủ bằng chứng để tiến hành việc điều tra chống bán phá giá hàng dệt may của Việt Nam.
Trang tin cũng viết rằng sau khi cơ chế giám sát ngừng, nhiều công ty dệt may của Mỹ cảm thấy yên tâm về nguồn cung cấp hàng hóa của Việt Nam, nguồn cung hàng dệt may lớn thứ hai cho Mỹ, sau Trung Quốc.
Trong thời gian một năm tính đến ngày 31/8, Mỹ đã nhập khẩu 5,4 tỷ USD hàng dệt may của Việt Nam, tăng 3,7% so với cùng kỳ của năm trước./.