(MPI Portal) - Thực hiện chương trình triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020, ngày 04/12/2010, tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2020.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng Tây Nam Bộ.
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một số ý kiến nhằm phát triển nhân lực vùng Tây Nam Bộ. Đồng chí cho rằng phát triển nhân lực là vấn đề then chốt, chủ đạo để phát triển kinh tế - xã hội.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng
|
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2011-2020 và quy hoạch mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng ở Tây Nam Bộ, chức năng đào tạo cho vùng Tây Nam Bộ của một số Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày tóm tắt dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011-2020 và quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề cấp tỉnh và vùng ở Tây Nam Bộ.
Đại diện lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nam Bộ như Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An đã trình bày Báo cáo và góp ý kiến đối với Dự thảo Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020.
Các đại biểu cũng được nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về đề xuất giải pháp liên vùng về phát triển nhân lực cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL thời kỳ 2011-2020 và yêu cầu đặt ra đối với phát triển nguồn nhân lực.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vị trí địa lý kinh tế và điều kiện tự nhiên thuận lợi, trong thời gian qua ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của mình vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn tới, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những thời cơ thuận lợi khi nước ta đã gia nhập WTO, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội để vươn lên phát triển ngang bằng với các vùng khác của cả nước.
Hiện nay vùng ĐBSCL sản xuất hơn 53% sản lượng thóc và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước ta, cung cấp khoảng 70% lượng trái cây, trên 40% sản lượng thuỷ sản đánh bắt và trên 74,6% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng cả nước.
Dự kiến trong giai đoạn tới, mặc dù diện tích đất nông nghiệp bị giảm do chuyển đổi mục đích để phát triển đô thị, giao thông, sản xuất công nghiệp..., vùng vẫn đảm bảo cung ứng 20-21 triệu tấn lúa, 4-4,5 triệu tấn hoa quả mỗi năm.
Trên cơ sở khai thác, sử dụng tốt các tiềm năng về đất đai, mặt nước và lao động, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho nghề khai thác một cách đồng bộ, dự kiến sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của vùng vẫn tăng nhanh, có khả năng đạt 4,5 triệu tấn vào năm 2020, có tỷ trọng lớn trong sản xuất thủy sản của cả nước.
Vùng ĐBSCL tiếp tục là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia. Trong giai đoạn tới, những trung tâm kinh tế, giao thương lớn của vùng và cả nước sẽ được hình thành gắn với phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ. Các nguồn lực được huy động ở mức cao nhất để xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững.
Tuy nhiên, kinh tế vùng ĐBSCL tăng trưởng chưa ổn định và chưa vững chắc, phát triển chủ yếu theo chiều rộng; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất còn rất chậm; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Cơ cấu kinh tế của vùng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng đến năm 2008, tỷ trọng của ngành nông lâm nghiệp trong GDP còn khoảng 45,9%.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống nhân dân. Do điều kiện địa hình không thuận lợi, bị chia cắt bởi các kênh rạch nên suất đầu tư lớn hơn nhiều so với các vùng khác.
Chất lượng nguồn nhân lực, các chỉ số về giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong vùng còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước (tỷ lệ học sinh THPT đi học đúng độ tuổi mới đạt 43,1%; tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học trong học kỳ I năm học 2008-2009 là 0,88% so bình quân chung cả nước là 0,56%, tỷ lệ bình quân 85 sinh viên/1 vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 26%, trong đó qua đào tạo nghề 20,6%). Dân số đông, một bộ phận dân cư có cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, nhất là ở vùng ngập lũ sâu và trong đồng bào Khơ-me.
Với việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự ngăn dòng sông Mê-kông làm thủy điện, tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển... sẽ tiếp tục có các tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng nếu không có các giải pháp ứng phó hiệu quả.
Vì vây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những biện pháp để nhanh chóng xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt văn hoá, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc, làm chủ vùng biển; là địa bàn cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.
Về phát triển kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,7%/năm giai đoạn 2011-2015 và 8,6%/năm giai đoạn 2016-2020; đến năm 2015 tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp trong GDP của vùng còn khoảng 36,7%, công nghiệp, xây dựng đạt 30,4% và khu vực dịch vụ 32,9%; đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp còn 30,5%, công nghiệp xây dựng tăng lên 35,6% và khu vực dịch vụ là 33,9%. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 30,2 triệu đồng, tương đương 1.550-1.600 USD, khoảng 57,9 triệu đồng trong năm 2020, tương đương 2.750-2.850 USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 trên 12%/năm, đến năm 2015 đạt khoảng 630 USD, tăng bình quân trên 11,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020, và đến năm đạt trên 1.000 USD; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, đưa tỷ lệ đô thị hoá của vùng lên khoảng 28% vào năm 2015 và 34,2% vào năm 2020; Phấn đấu đến năm 2020 đưa giáo dục, đào tạo và dạy nghề ĐBSCL bằng và vượt các chỉ số phát triển của các ngành học, bậc học bình quân chung của cả nước.
Phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL, tạo ra sự chuyển biến lớn để vùng phát triển ổn định, hiệu quả, đời sống nhân dân được nâng cao, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững sự đoàn kết giữa các dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng, có nhiều mặt đạt mức trung bình của cả nước, nhất là về kết cấu hạ tầng, các dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, từng bước đưa ĐBSCL trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư