Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/12/2009-10:04:00 AM
Năm 2009: Năm thuận lợi của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam
Dẫu năm 2009 đầy khó khăn đối với ngành tài chính ngân hàng, các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam vẫn hoạt động an toàn, hiệu quả và làm tốt vai trò cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam.

Các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục có một năm thành công

Kể từ khi Việt Nam mở cửa trong lĩnh vực ngân hàng đến nay, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng nước ngoài có mặt tại thị trường Việt Nam ngay từ đầu những năm 1990, sau khi hệ thống ngân hàng Việt Nam được phân thành hai cấp, với hai loại hình: Chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh.
Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2004 đã cho phép thêm một hình thức hiện diện thương mại mới, đó là ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Sự xuất hiện thêm loại hình ngân hàng mới này đã làm tăng tính hấp dẫn và phong phú cho thị trường tài chính Việt Nam, nhưng cũng thêm một thách thức đối với các ngân hàng thương mại trong nước.
Tính đến nay, có 45 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số ngân hàng nước ngoài có 2 chi nhánh độc lập, 5 ngân hàng liên doanh với hơn 20 chi nhánh phụ thuộc.
Ngoài ra, thực hiện các cam kết với WTO, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, đó là Ngân hàng HSBC, Standard Chartered, ANZ, Shinhan và Hong Leong. Hầu hết, các ngân hàng nước ngoài đều mở chi nhánh tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, còn có trên 50 văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nhìn chung, các ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diệnNHNNg đang hoạt động tại Việt Nam đóng vai trò là cầu nối thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong năm 2009, cũng như các ngân hàng mẹ ở nước ngoài, hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các TCTD nước ngoài tại Việt Nam vẫn hoạt động an toàn, hiệu quả và làm tốt vai trò cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam.
Đến cuối tháng 10/2009, nguồn vốn huy động của các TCTD nước ngoài tại Việt Nam tăng 17,8%, tổng dư nợ tín dụng tăng 14%, tổng tài sản có tăng 14,9% so với cuối năm 2008; tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 1% trong tổng dư nợ. Về cơ bản, các TCTD nước ngoài luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định, có ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Hầu hết các TCTD nước ngoài đều hoạt động có lãi (chênh lệch thu chi lũy kế của các ngân hàng nước ngoài đến cuối tháng 10/2009 đạt 2.947,5 tỷ đồng). Do hoạt động của các chi nhánhNHNNg thuần tuý là vì mục tiêu lợi nhuận, không phải thực hiện việc cho vay chính sách nên nợ quá hạn rất thấp, dư nợ tăng trưởng lành mạnh. Bên cạnh đó, các chi nhánhNHNNg còn được ngân hàng mẹ hỗ trợ nhiều mặt nên càng có điều kiện để mở rộng cho vay
Chi nhánhngân hàngnước ngoàităng trưởng 2 con số
Trong năm 2009, hoạt động kinh doanh của một số chi nhánhNHNNg cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thu nhập trước thuế của các ngân hàng này vẫn đạt 2.612 tỷ VND; nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng trưởng khá (tăng 17,8% và 10,8% so với cuối năm 2008); tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,6% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ của cuối năm 2008 (0,47%), nhưng vẫn ở mức thấp so với các nhóm ngân hàng khác; tổng tài sản có tăng 14% so với cuối năm 2008.
Về dịch vụ thanh toán, các chi nhánh NHNNg thường đến từ những nước phát triển, nơi mà hệ thống ngân hàng tài chính cũng đạt đến trình độ phát triển tương đối cao nên hoạt động của các chi nhánh này tại Việt Nam cũng được thừa hưởng những ưu thế đó. Điều này được thể hiện rõ qua các loại hình dịch vụ cung cấp cho khách hàng, chất lượng dịch vụ cũng như thái độ phục vụ khách hàng. Các chi nhánh NHNNg thường tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, giới thiệu sản phẩm dịch vụ mới. Do vậy, có thể nói các chi nhánh NHNNg thường chiếm ưu thế trong các dịch vụ thanh toán và hoạt động phi tín dụng.
Về khả năng sinh lợi của các chi nhánh NHNNg, nhìn chung, cao hơn so với các ngân hàng trong nước do các ngân hàng này sử dụng vốn được cấp và vốn vay tương đối hiệu quả, mức rủi ro thấp. Bên cạnh đó, các ngân hàng này còn có nguồn thu đáng kể từ các hoạt động phi tín dụng, mảng hoạt động còn yếu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Cầu nối hút vốn đầu tư nước ngoài
Về hoạt động của các văn phòng đại diện NNHNg tại Việt Nam, trong thời gian qua, các văn phòng này đã đóng vai trò là cầu nối quan trọng cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời cũng hỗ trợ khách hàng của ngân hàng mẹ trong việc nghiên cứu thị trường nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thiết lập quan hệ với các chủ thể kinh tế Việt Nam.
Các văn phòng đại diện này cũng có những hỗ trợ đáng kể đối với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp Việt Nam như đào tạo cán bộ, tổ chức hội thảo, cung cấp một số luật nước ngoài liên quan để Ngân hàng Nhà nước tham khảo trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, giới thiệu các kỹ năng ngân hàng hiện đại, cải thiện quan hệ ngân hàng đại lý với các ngân hàng thương mại Việt Nam. Nhìn chung, các văn phòng đại diệnNHNNg đều nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam và các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với các ngân hàng liên doanh, hoạt động của nhóm ngân hàng này tăng trưởng khá ổn định, trong đó nguồn vốn huy động tăng 18,2%, dư nợ tín dụng tăng 34,3% so với cuối năm 2008, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,8% tổng dư nợ, tổng tài sản có tăng 18,3%, thu nhập trước thuế đạt 477 tỷ VND. Mạng lưới hoạt động của các ngân hàng này tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, sản phẩm và dịch vụ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống.
Có thể nói cácNHNNg đang có một môi trường hoạt động tương đối thuận lợi và có nhiều triển vọng, sẽ đầu tư và tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua các sản phẩm mới, cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại với những thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần xây dựng một nền tài chính - ngân hàng phát triển toàn diện, vững mạnh tại Việt Nam./.
Xuân Thanh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1638
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)