Hiến chương ASEAN ra đời năm 2008 là bước chuyển giai đoạn quan trọng của ASEAN sau hơn 40 năm tồn tại và phát triển, đồng thời thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN.
|
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 13 (tháng 11/2007) ở Singapore
|
Cách đây đúng 1 năm ngày 15/12/2008, Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực. Sự kiện này khẳng định ASEAN là một tổ chức hoạt động dựa trên luật pháp. ASEAN đang ngày càng nhận được sự tôn trọng cao của cộng đồng quốc tế.
Uy tín chính trị trên trường quốc tế
Trong bài trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 1 năm thực hiện Hiến chương ASEAN, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, Chủ tịch ASEAN năm 2009, cho biết ASEAN đã đạt được những tiến bộ quan trọng qua việc kiến lập các cơ chế hướng tới xây dựng 3 trụ cột chính (Kinh tế, Chính trị - An ninh, Văn hóa - xã hội) của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hiệp hội ASEAN đã và đang tiến lên phía trước với một tín hiệu rõ ràng rằng ASEAN là một tổ chức hoạt động dựa trên luật pháp.
Bản Hiến chương ra đời là một nhu cầu tất yếu khách quan và là bước chuyển giai đoạn quan trọng của ASEAN sau hơn 40 năm tồn tại và phát triển, đồng thời phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên, nhất là của các vị lãnh đạo về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, vững mạnh hơn trên cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như của từng nước thành viên.
Hiến chương xác định ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ với nguyên tắc chủ đạo là đồng thuận, giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa các nước thành viên một cách hòa bình, thông qua thương lượng và dựa trên các thỏa thuận đã có của ASEAN.
Hiến chương ASEAN khi có hiệu lực có tác động nhiều mặt, cả mặt thuận và những thách thức đối với tương lai phát triển của Hiệp hội cũng như sự tham gia của từng nước thành viên.
Thành lập cách đây hơn 4 thập niên như một tổ chức kinh tế trong khu vực, ASEAN đã phê chuẩn Hiến chương tháng 12/2008 trong một nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của mình trong các vấn đề của châu Á và toàn cầu. Trong năm đầu tiên thực thi hiến chương, ASEAN tập trung hoàn thiên các cơ cấu của minh để tiến tới lập ba công đồng về Kinh tế, Chính trị - An ninh và Văn hóa – Xã hội.
Các hoạt động liên quan đến ASEAN trên các diễn đàn quốc tế trong năm qua cho thấy ngày càng có nhiều nước và tổ chức ghi nhận sự đóng góp của ASEAN, nhất là vai trò mở rộng của Hiệp hội trong một số vấn đề toàn cầu, trong đó có việc quản lý và khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính.
Một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm 2009, khẳng định vị thế của ASEAN là Hội nghị lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của 10 nước ASEAN với Tổng thống Mỹ B. Obama. Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp lịch sử này, nêu rõ: Mỹ hoan nghênh các kế hoạch của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên Hiến chương ASEAN và tái khẳng định các cam kết ủng hộ những kế hoạch này.
Các nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết đối với sự hợp tác ASEAN-Mỹ rộng hơn và sâu hơn nhằm thúc đẩy trao đổi giáo dục, bao gồm mối quan hệ giữa nhân dân với nhân dân,hợp tác về khoa học và công nghệ. Tổng thống Mỹ thông báo chính sách của Mỹ tăng cường quan hệvới ASEAN mà Mỹ coi như một đối tác chủ chốt trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cũng trong cuộc họp đầy đủ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Mỹ, Tổng thống Obama là người đầu tiên tán thành vai trò trung tâm của Hiệp hội ASEAN trong kế hoạch tổng thể về nhiều nội dung ở Đông Nam Á.
Một động thái khác có thể được xem như là “phong vũ biểu” thể hiện vị thế ngoại giao đang gia tăng của ASEAN là đến nay đã có khoảng 30 nước cử phái bộ hoặc bổ nhiệm Đại sứ tại Ban Thư ký ASEAN đặt ở Jakarta (Indonesia). Mỹ và Trung Quốc nói rằng họ sẽ lập phái bộ thường trực tại Ban Thư ký ASEAN trong nửa đầu năm 2010, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có kế hoạch tương tự.
|
Kỳ họp Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM ) lần thứ 12 tại Hà Nội năm 2008
|
Tiềm năng kinh tế
Với một nền kinh tế (kết hợp) lớn hơn so với của Ấn Độ hay Hàn Quốc và tổng dân số hơn nửa tỷ người, ASEAN có tiềm năng để trở thành một lực lượng kinh tế có thể cạnh tranh với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga. Tuy nhiên, do sự liên kết chưa chặt chẽ, nên sức hấp dẫn của ASEAN chưa cao, chưa tạo nên sức mạnh mà ASEAN đáng có.
Cho đến nay, các nhà đầu tư quốc tế vẫn thường coi khu vực Đông Nam Á như là 10 nền kinh tế riêng rẽ do những khác biệt về quy định, môi trường kinh doanh, văn hóa và năng lực thể chế. Vì vậy, sự hội nhập sâu hơn của ASEAN là cần thiết để tối đa hóa hiệp lực nội khối và giữ cho khu vực này gắn kết với các nhà đầu tư và kinh tế quốc tế.
Lịch sử đang đứng về phía ASEAN. Cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu được coi như sự phân phối lại quyền lực kinh tế từ các nền kinh tế phát triển sang các thị trường mới nổi. Hội nghị G-20 tổ chức ở Pittsburgh (Mỹ) vào tháng 9/2009 là một sự kiện bước ngoặt đánh dấu sự chuyển dịch này, với việc mở rộng của diễn đàn này từ tổ chức 8 nước công nghiệp phát triển nhất sang thành 20 quốc gia có ảnh hưởng kinh tế toàn cầu lớn nhất.
Mặc dù Indonesia là thành viên ASEAN duy nhất có chân chính thức trong G-20, nhưng ASEAN cũng là một tổ chức được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Luân Đôn vào tháng 4/2009 và ở Pittsburgh tháng 9/2009 do ảnh hưởng ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Những sự kiện này đã tạo ra các cơ hội để ASEAN thoát ra khỏi những cái bóng che của Trung Quốc và Ấn Độ để chuyển đổi thành một lực lượng kinh tế của riêng mình ở châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung.
Theo nhiều nhà kinh tế, ASEAN có tất cả những nhân tố để trở thành một lực lượng kinh tế toàn cầu. Năm ngoái, ASEAN có tổng GDP là 1.500 tỷ USD, dân số 580 triệu người và tổng thương mại là 1.700 tỷ USD. Nếu như ASEAN là một quốc gia riêng lẻ, thì nó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 10 và quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới. Nếu chỉ tính thương mại ngoài khối, ASEAN là nền thương mại lớn thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong những năm gần đây, các hiệp định tự do thương mại của ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm sâu rộng các mối liên hệ kinh tế của khu vực này với toàn bộ phần còn lại của châu Á. ASEAN còn được xếp vào hàng 10 nền kinh tế hàng đầu về dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Năm 2008, ASEAN vẫn thu hút được 60 tỷ USD vốn FDI, với đầu tư nội khối chiếm một phần đáng kể khi mà các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt ở châu Á, đã xem một số quốc gia như Indonesia và Việt Nam như những căn cứ sản xuất thay thế do chi phí kinh doanh ngày càng tăng ở Trung Quốc.
Hiến chương ASEAN, được 10 quốc gia thành viên thông qua năm 2008 là bước đi quan trọng hướng tới sự hội nhập hơn nữa. Kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, mặc dù là tham vọng, nhưng cần thiết để thúc đẩy sự hội nhập của khu vực, đưa ASEAN như một động lực lớn của thế giới cả về kinh tế, an ninh và văn hóa.
Hiến chương ASEANgồm Lời nói đầu và 13 chương, 55 điều, khẳng định lại các mục đích và nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là mục đích hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác khu vực cũng như nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bổ sung một số mục đích và nguyên tắc mới cho phù hợp với tình hình, trong đó có những mục tiêu về liên kết ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng về nhân dân và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, có nguyên tắc về việc các nước không tham gia và không cho phép bất kỳ quốc gia/ đối tượng nào được sử dụng lãnh thổ của một nước thành viên để chống lại một nước thành viên khác.
|
Nguyễn Chiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ