Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Trưởng phòng cao cấp, bộ phận tư vấn đo lường bán lẻ, Công ty Nielsen, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng không ngừng tăng lên và thói quen tiêu dùng cũng thay đổi đã khiến cho siêu thị và trung tâm thương mại trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
|
Trung tâm thương mại đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
|
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề về “Xu hướng tiêu dùng và thị trường bán lẻ trong năm 2009 và triển vọng thị trường năm 2010” do Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - EU (VEUBF) tổ chức sáng nay, 20/11 tại Hà Nội, bà Quỳnh nhấn mạnh: "Thay cho việc tìm đến các chợ truyền thống để mua hàng thì siêu thị và trung tâm thương mại đang trở thành kênh mua hàng chủ yếu của rất nhiều người. Vì vậy, chắc chắn thị trường này sẽ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trong tương lai".
Đánh giá của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho thấy, ngành công nghiệp bán lẻ trong nước đang phát triển một cách nhanh chóng. Đến hết năm 2008, đã có trên 8.300 chợ các loại và gần 400 siêu thị và trung tâm thương mại, so với con số khiêm tốn của năm 1995 là 10 siêu thị và 2 Trung tâm thương mại.
Những con số này sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới, khi có sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài trước việc mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam. Đây được coi là một sự thay đổi không chỉ về chất mà cả về cơ cấu, chất lượng của ngành công nghiệp bán lẻ trong nước.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 18-20% thời gian qua, đang là động lực thu hút các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
“Sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra một luồng gió mới, thay đổi diện mạo của dịch vụ bán lẻ trong nước và các doanh nghiệp bán lẻ phải chấp nhận cạnh tranh, vươn lên vượt qua chính mình”, bàĐinh Thị Mỹ Loan nói.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Matthias Duehn, Giám đốc EuroCham Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy năm 2010 là năm có rất nhiều triển vọng đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn tại Châu Á với tốc độ tăng trưởng bền vững và nhu cầu tiêu dùng khá ổn định”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, việc tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua vẫn chỉ nghiêng về số lượng mà chưa đi vào chất, đó chính là việc phát triển thiếu bền vững, nhất là khi có sự phát triển mạnh của mạng lưới bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam.
“Tính chuyên nghiệp yếu, phong cách tiểu thương vẫn dai dẳng, khả năng quản trị về tầm trung và tầm cao còn yếu... chính là những tồn tại trong hệ thống bán lẻ của Việt Nam,” bà Đinh Thị Mỹ Loan cho hay.
Bên cạnh đó, tiềm lực tài chính của các nhà bán lẻ trong nước cũng rất đáng lo ngại, vấn đề thương hiệu chưa được làm tốt nhưng mức độ gắn kết lại lỏng lẻo. Thị trường nông thôn, nơichiếm trên 70% nhu cầu tiêu dùng nội địa lại đang bị các doanh nghiệp trong nước bỏ ngỏ dẫn đến nguy cơ có thể thua ngay trên sân nhà...
Do vậy, theo các chuyên gia, để thị trường bán lẻ ở Việt Nam phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành, các doanh nghiệp cần tạo ra được một chuỗi liên kết đủ mạnh nhằm hạn chế những điểm yếu của nhau trước sức mạnh của các đối thủ nước ngoài.
“Việc cạnh tranh không phải là địa điểm mà chính là sự đa dạng trong các sản phẩm, cách thức phục vụ tốt và đây là thời điểm tốt để các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước bắt tay nhau để tăng khuyến mại, tạo ra hình ảnh của doanh nghiệp nhằm thu hút người tiêu dùng trung thành đến với sản phẩm của mình”, bà Nguyễn Hương Quỳnh nhấn mạnh./.