Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/03/2010-14:22:00 PM
Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền trung
Từ thực tế và xu hướng phát triển đã đến lúc cần nhìn lại, đánh giá đúng về thực lực, tốc độ, khả năng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền trung (VKTTÐMT). Bước vào năm 2010, nhiều yêu cầu mới đang đặt ra cần giải quyết sớm để thực hiện quyết liệt hơn.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Hiệu quả bước đầu
VKTTÐMT trải dài hơn 500 km, bao gồm năm tỉnh, thành phố là: Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh. Toàn vùng rộng gần 28 nghìn km2, dân số gần chín triệu người. Bình quân các năm gần đây, đã đóng góp khoảng 36,2% GDP so với cả vùng duyên hải miền trung (tính từ Thanh Hóa đến Bình Thuận). Tốc độ tăng GDP giữa các tỉnh, thành phố trong VKTTÐMT không đều, nhưng dao động trung bình từ 10,6% đến 11,5%/năm. Vùng này có nhiều lợi thế về địa lý, khoáng sản, kinh tế biển, cảng biển sâu, có hàng loạt di sản văn hóa, thuận tiện giao thông tiểu vùng lục địa và rất thuận lợi về giao thông đường biển, đường hàng không với quốc tế. Lợi thế ấy sau khi có các nghị quyết nêu trên đã được nâng lên tầm cao mới, nhờ việc đẩy mạnh tốc độ đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng về giao thông đường bộ, cảng biển, sân bay, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, v.v.
Công nhân Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất đóng tàu chở dầu 104 nghìn tấn
Ðến nay, nhờ phấn đấu tại chỗ và sự hỗ trợ của Trung ương, các lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, liên vận - trung chuyển hàng hóa quốc tế, thủy điện, đánh bắt hải sản xa bờ, đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền... đã tăng trưởng với tốc độ nhanh. So cả nước, ước tính, tăng trưởng GDP bình quân của VKTTÐMT giai đoạn 2006 - 2010 tăng khoảng 1,2 lần; tỷ lệ đóng góp trong GDP khoảng 6%; giá trị xuất khẩu bình quân đầu người (tính đến đầu năm 2010) vào khoảng 374 USD; tốc độ đổi mới công nghệ bình quân đạt 20 - 22%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo (đến cuối năm 2009) là 49%; tỷ lệ đô thị hóa giai đoạn này cũng khá cao, khoảng 42%; số lao động không có việc làm đã giảm xuống dưới 5%; số hộ nghèo (theo tiêu chí mới) còn khoảng 8,8%... VKTTÐMT đã và đang tập trung tạo ra được các điểm đột phá về kinh tế, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ. Ðó là đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các khu kinh tế, như Khu Kinh tế mở Chu Lai, các Khu Kinh tế Dung Quất, Chân Mây - Lăng Cô, Nhơn Hội... thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng. Ðặc biệt, vai trò đầu tàu, trung tâm thương mại, tài chính, giao dịch quốc tế, nối kết hành lang kinh tế Ðông - Tây và mở đường biển, đường hàng không ra nước ngoài của TP Ðà Nẵng ngày càng nổi bật. Huế đã trở thành TP Festival. Quy Nhơn từng bước trở thành trung tâm đô thị Nam Trung Bộ, hỗ trợ cho Tây Nguyên vươn lên. Dự án liên hợp lọc - hóa dầu Dung Quất đã đi vào giai đoạn sản xuất. Ðào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng cao đã hình thành ở Ðà Nẵng, Huế. Gần đây do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng vốn FDI và ODA cũng đã chuyển dịch đáng kể, theo hướng tăng dần về tỷ trọng và cơ cấu đầu tư vào VKTTÐMT. Trong đó, riêng TP Ðà Nẵng đã có 162 dự án FDI, với tổng vốn 2,62 tỷ USD và vốn thực hiện ước đạt gần 1,2 tỷ USD... Một điểm mạnh mới khởi đầu từ năm 1998, bước đầu triển khai hiệu quả từ 2005 đến nay là các tỉnh, thành phố miền trung nói chung, VKTTÐMT nói riêng đã từng bước liên kết phát triển kinh tế - xã hội "nội tại" với nhau, dựa theo tinh thần Nghị quyết 39/2004 và Nghị quyết 33/2003 của Bộ Chính trị. Về hình thái, sự liên kết này đi theo hai hướng: Hoặc liên kết theo ngành hàng, lĩnh vực; hoặc liên kết dạng liền kề về địa - kinh tế...
Tuy vậy, VKTTÐMT vẫn chưa vượt trội so với các vùng kinh tế trọng điểm. Bởi, đây là vùng có điểm xuất phát về kinh tế tương đối thấp, địa hình gấp gãy, độ dốc cao, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai khó lường, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thêm khó khăn về nguồn tài chính, phương thức đầu tư, nhân lực, khả năng xử lý môi trường... Cơ chế, chính sách chung đã thoáng hơn nhiều so với trước năm 2000, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhu cầu thu hút đầu tư và cũng chưa có sự ưu đãi vượt trội nào thật sự hấp dẫn. Ðã khó, càng thêm khó khi các tỉnh, thành phố trong khu vực (do thiếu nhân tài, vật lực, nặng tâm lý "co kéo"), nên tiến trình hợp tác còn thiếu chiều sâu, chưa hỗ trợ đắc lực cho nhau, kết quả liên kết tuy có, nhưng vẫn còn rời rạc. Ngoài ra, ở tầm vĩ mô, vẫn còn bất cập về quy hoạch các phân khu chức năng trong các khu kinh tế cho phù hợp tốc độ, điều kiện CNH, HÐH và để tạo ra thêm tiền đề phát triển cho các tỉnh, thành phố này.
Cần có thêm nhiều giải pháp
Năm 2010, VKTTÐMT có thể biến thách thức thành cơ hội, khi kinh tế thế giới đã có dấu hiệu hồi phục và kinh tế trong nước đang có đà đi lên. Với mục tiêu cụ thể giai đoạn 2010 - 2020 là phấn đấu tăng trưởng nhanh và bền vững; giảm bớt khoảng cách so với mức phát triển trung bình của cả nước; có GDP bình quân đầu người bằng hoặc vượt mức bình quân cả nước; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế; chuyển hóa miền trung cơ bản trở thành vùng công nghiệp; VKTTÐMT đang có nhiều triển vọng đi lên nhanh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên phụ thuộc nhiều vào các giải pháp sau: Một là, nỗ lực chỉ đạo, quản lý và quyết tâm thực hiện của hệ thống chính trị trong khu vực, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Hai là, quyết tâm hợp tác, liên kết, triển khai quyết liệt giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực (hiện tại, VKTTÐMT đã có Tổ điều phối phát triển liên kết ở mỗi địa phương, nhưng hoạt động còn ít hiệu quả và còn yếu cả về mặt hiệu lực trong thực tế). Ba là, khả năng tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh để nâng cao nhịp độ đầu tư phát triển và thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đối với VKTTÐMT. Bốn là, khả năng sáng tạo của mỗi tỉnh, thành phố ở khu vực.
Từ đầu tháng 1-2010, Bình Ðịnh phối hợp một số bộ, ngành đã tổ chức được một hội nghị giới thiệu cơ hội đầu tư và kinh doanh là một thành công đáng kể. Tại hội nghị, Bình Ðịnh đã có điều kiện giới thiệu sâu rộng đặc điểm tự nhiên - xã hội, cơ sở - hạ tầng trước hàng trăm nhà đầu tư lớn nước ngoài; cho thấy mức độ hấp dẫn của Khu kinh tế Nhơn Hội; các chính sách ưu đãi đầu tư; kể cả 73 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư. Nhờ vậy, ngay sau hội nghị, nhiều dự án quy mô đã được ký kết, gấp rút triển khai. Năm là, cần hỗ trợ thêm về vốn, về cơ chế ưu đãi cho VKTTÐMT. Thời gian qua, chính nhờ vốn trong và ngoài nước, nỗ lực tại chỗ mà Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế nâng cao được sức sản xuất, kinh doanh. Phần quan trọng là nhờ vào cơ chế, nên TP Ðà Nẵng trở thành điểm sáng hai năm liền về chỉ số thu hút đầu tư và nay đã tiến bộ rõ nét về cơ sở hạ tầng.
Song, không ít yêu cầu mới đang đặt ra. Với cấp tỉnh, thành phố ở VKTTÐMT, nên tiếp tục liên kết theo chiều ngang, đa cấp. Với doanh nghiệp giữa các địa phương, nên liên kết theo chiều sâu, chuyên môn hóa theo ngành, lĩnh vực. Các tỉnh, thành phố trong vùng cần hỗ trợ nhau cụ thể và phân chia lợi ích hợp lý hơn trong việc thu hút vốn FDI. Ðã đến lúc phải quy hoạch chi tiết và nối kết cho được thế mạnh về biển, kinh tế biển và đường giáp biển. Gắn với tiến trình đó, cần cải cách mạnh hơn về thủ tục hành chính, cơ chế điều hành liên ngành, liên địa phương. Ðồng thời, kiên trì thực hiện Nghị quyết 39, Nghị quyết 33, các Quyết định 1018 và 148, theo hướng chú trọng phát triển mạnh các khu kinh tế hiện có. Cần tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành để cải thiện chất lượng cơ sở - hạ tầng liên tỉnh, nội vùng; trong đó, cần triển khai sớm đường cao tốc Chu Lai - Ðà Nẵng - Quảng Ngãi. Chính phủ cần sớm có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho VKTTÐMT, để vùng này thực hiện được mục tiêu bứt phá, đuổi kịp các vùng khác.../.

Báo Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 1049
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)