Thị trường bán lẻ năm 2011 sẽ đan xen cơ hội và thách thức, bộc lộ mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng. Các tổ chức quốc tế đánh giá sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đứng thứ 14 thế giới và Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều thương hiệu nổi tiếng.
|
Thị trường bán lẻ Việt Nam là lĩnh vực phát triển với tốc độ cao trong sự phát triển chung của nền kinh tế
|
Hình thành thị trường bán lẻ thời hội nhập
Đặc biệt, sau 4 năm gia nhập WTO, thị trường đã khởi sắc và ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị trí trong kinh tế đất nước, nằm trong top 15 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và là lĩnh vực phát triển với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các loại hình bán lẻ hiện đại…
Các doanh nghiệp phân phối – bán lẻ Việt Nam đã nỗ lực vượt qua suy thoái, làm cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất – tiêu dùng và tham gia bình ổn thị trường, tích cực đóng góp vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Nhìn lại sự phát triển của thị trường bán lẻ thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại... đang có nhiều tiềm năng phát triển hơn.
Với nhóm chi tiêu tiêu dùng lớn nhất đang ở tuổi 22 - 55, chiếm tới 70,29% dân số Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng 24,5% năm 2010 với tổng doanh thu 1.561 nghìn tỷ đồng.
Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, hiện nay người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích. Bởi nếu như trong năm 2007 có 66% người tiêu dùng thỉnh thoảng mua sắm tại siêu thị, thì cuối 2008 con số này đã lên tới 96%. Cuộc cạnh tranh liên tục giữa các kênh bán lẻ hiện đại - truyền thống, nhất là sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài đã mang lại luồng gió mới làm thay đổi về chất và diện mạo của ngành bán lẻ nước ta. Với nhiều kênh bán lẻ mới, người tiêu dùng có thêm các lựa chọn mua sắm hơn nên đã tạo áp lực buộc kênh bán lẻ truyền thống đang dần thay đổi về chất lượng phục vụ.
Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hệ thống bán lẻ của Việt Nam còn quá nhiều điểm yếu cần khắc phục như: tính chuyên nghiệp yếu vì nguồn nhân lực chưa qua đào tạo, chỉ có khoảng 4 - 5% nhân lực được đào tạo chuyên ngành, 60 - 70% các đơn vị kinh doanh chưa sử dụng công nghệ thông tin vào lãnh vực quản lý và khoảng 20% đơn vị mới xây dựng web đơn giản với nội dung nghèo nàn.
Ngoài ra, hậu cần cho hệ thống phân phối như kho bảo quản, các kho lạnh, xe tải chuyên dùng thiếu đồng bộ, chưa đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Việc tổ chức cung ứng hàng hoá chủ yếu là có gì bán nấy, chưa xây dựng được vùng cung cấp nguồn hàng ổn định để tiêu thụ. Tính chủ động trong hợp tác liên kết, liên doanh thu mua, tiêu thụ hàng hoá còn rời rạc. Do vậy, hệ thống thương mại bán lẻ của Việt Nam tuy đã có nhiều, nhưng còn mang nặng tính đại lý, thu lợi nhuận thấp.
Cạnh tranh ngày càng gia tăng
Khi ngành bán lẻ tăng tốc phát triển nhanh, liên tục sẽ tạo ra điều kiện để cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP và cũng là lực đẩy lớn cho các ngành công nghiệp chế biến phát triển.
Thị trường bán lẻ năm 2011 sẽ đan xen cơ hội và thách thức, bộc lộ mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng. Các tổ chức quốc tế đánh giá sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đứng thứ 14 thế giới, sẽ là điểm đến của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ đánh giá, thị trường sẽ tiếp tục phát triển mạnh, theo hướng đa dạng và cạnh tranh ở nhiều phân khúc, bức tranh hạ tầng, vì vậy thị trường bán lẻ sẽ diễn ra sôi động.
Các chuyên gia cho rằng, để tăng sức thu hút cho kênh bán lẻ hiện đại cần tập trung đầu tư hơn nữa cho việc cung cấp thực phẩm tươi sống. Hiện nay thế mạnh lớn nhất của kênh bán lẻ truyền thống là cung cấp các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, sản phẩm tươi sống, chiếm 62% tổng chi tiêu của người dân nước ta.
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng đã chuyển từ chú trọng các mặt hàng đắt tiền sang các đợt khuyến mại. Nên doanh nghiệp cần triển khai các hình thức khuyến mại, giảm giá. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng nắm giữ thị trường bán lẻ trên internet, tivi, điện thoại di động bởi nhu cầu mua sắm qua các kênh thông tin này của nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi đang tăng nhanh.
Năm 2011, xu hướng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại sẽ đa dạng với mức độ mạnh hơn. Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng những siêu thị tổng hợp, có quy mô trung bình để phát huy khả năng tài chính mục tiêu kinh doanh nhiều mặt hàng tại cùng một địa điểm Bên cạnh đó, cũng xuất hiện trào lưu xây dựng siêu thị quy mô nhỏ để chuyên bán hàng thiết yếu, "cắm" ở các vùng nông thôn, nhất là tỉnh, thành phố có mức sống từ trung bình trở lên.
Thị trường bán lẻ khu vực nông thôn Việt Nam sẽ khởi sắc do thị trường nông thôn rộng lớn, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn ngày càng tăng cao. Đặc biệt là do tác động của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ảnh hưởng tích cực tới niềm tin tiêu dùng của người dân nông thôn.
Để có thể đón bắt các xu hướng trên, các nhà bán lẻ cần đáp ứng nhanh đòi hỏi của thị trường bán lẻ năng động và nhiều biến đổi bởi các hình thức bán lẻ hôm nay sẽ còn không phù hợp trong tương lai.
Vũ Trọng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ