Năm 2009, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh Gia Lai được đánh giá là một trong những địa phương tạo được bước chuyển mới trong phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP đạt 15,61%; thu nhập bình quân đầu người đạt 12,45 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách đạt 1.965 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2008. Kết quả trên có nhiều nguyên nhân trong đó có sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh...
|
Chế biến mủ cao su, một trong những thế mạnh của tỉnh Gia Lai
|
Mở rộng liên kết, liên doanh
Sau sáu năm, tính từ hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư tổ chức tại Hà Nội (3-2003) bằng nhiều chính sách ưu đãi phù hợp, đến nay, tỉnh Gia Lai đã có đến 147 dự án đầu tư đang triển khai trên địa bàn với tổng vốn đăng ký thực hiện hơn 35 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có 110 dự án với số vốn 31.365 tỷ đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng 19 dự án, 4.161 tỷ đồng; thủy điện vừa và nhỏ 36 dự án, 7.570 tỷ đồng; dịch vụ mười dự án, 1.820 tỷ đồng. Có được những kết quả trên, có thể khẳng định trước hết là quan điểm của lãnh đạo tỉnh về vấn đề thu hút đầu tư vào địa bàn nhằm tranh thủ, tận dụng mọi nguồn lực và xem việc thu hút đầu tư là một trong những động lực kinh tế quan trọng, nhằm thúc đẩy và tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về KT-XH của địa phương. Ngoài việc sớm ban hành những quyết định, chính sách ưu đãi cụ thể, phù hợp, mang tính khả thi cao, nhằm thu hút các nhà đầu tư như: Công bố công khai danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư; miễn giảm thuế, tiền thuê đất; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; mạnh dạn cải cách các thủ tục hành chính... tỉnh còn đẩy mạnh mở rộng liên kết, liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là với các nhà đầu tư ở các thành phố lớn là trung tâm KT-VH-XH của cả nước. Mới đây, tháng 11-2009, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và đưa ra danh mục 53 dự án, lĩnh vực kêu gọi đầu tư vào địa phương giai đoạn 2009-2015 với tổng mức đầu tư 11.200 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực, để các nhà đầu tư lựa chọn, trong đó đáng chú ý là 12 lĩnh vực ngành nghề như: Trồng rừng, công nghệ chế biến sau thu hoạch các sản phẩm cà-phê, cao-su, chè, điều; xây dựng, cải tạo nâng cấp hạ tầng cơ sở; xây dựng thủy điện vừa và nhỏ; khai thác khoáng sản, thế mạnh du lịch sinh thái; chăn nuôi bò thịt, bò sữa và lợn siêu nạc xuất khẩu... Nhiều dự án được triển khai đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần đáng kể tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn như: Nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu ở Krông Pa (Công ty cổ phần Long Sơn), nhà máy chế biến hồ tiêu (Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận), cán sợi bông (Tổng công ty bông Việt Nam) ở Chư Sê; Siêu thị Vinatex, Xí nghiệp may Plây Cu (Tổng công ty May Việt Nam)... Khách sạn bốn sao (XNTD Hoàng Anh), Bến xe Liên tỉnh (XNTD Ðức Long); một số dự án đang triển khai như các khu đô thị mới Hoa Lư - Phù Ðổng (Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp); khu dân cư Cầu Sắt (Tổng công ty Than và Khoáng sản Việt Nam). Ngoài ra, trong năm 2009, đã có thêm nhiều dự án lớn đăng ký đầu tư vào tỉnh như: Dự án đầu tư nhà cao tầng, nhà máy sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ ngành dệt may của Ðức, nhà máy sản xuất cồn Ét-ta-nôn; tổ hợp nhà máy sản xuất các sản phẩm từ cao-su; nhà máy chế biến cà-phê xuất khẩu... Ðó là chưa kể, KCN Trà Ða (TP Plây Cu) sau gần năm năm đi vào hoạt động, đã thu hút 29 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đăng ký, với số vốn đầu tư lên đến 195 tỷ đồng, trong số này đã có 17 doanh nghiệp đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho gần hai nghìn lao động tại chỗ, trong số này lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13,2%. Không chỉ có vậy, tỉnh còn mạnh dạn tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế và các dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh với các doanh nghiệp Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ; phối hợp với Bộ Kế hoạch - Ðầu tư tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban Ðiều phối chung lần thứ nhất khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam tại TP Plây Cu...
Làm gì để khai thác tốt tiềm năng?
Tiềm năng đáng kể nhất của Gia Lai là đất đai và rừng. Trong tổng số diện tích tự nhiên hơn 15 nghìn m2, có gần một triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng chiếm đến 800 nghìn ha, với tổng trữ lượng gỗ khoảng 75 triệu m3 nên trong tương lai gần, Gia Lai là một trong số ít các địa phương trong cả nước cung cấp gỗ cho thị trường trong nước và xuất khẩu nguyên liệu giấy. Diện tích đất đai phù hợp cho sản xuất nông nghiệp với khoảng 500 nghìn ha, cho phép hình thành những vùng sản xuất tập trung chuyên canh tương đối lớn về cây công nghiệp xuất khẩu như: cao-su 58.300 ha; cà-phê 75.900 ha; điều 19.700 ha; tiêu, bông vải, chăn nuôi bò... Ngoài ra, với lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 2.200 mm, cộng với hệ thống sông suối phân phối khá đều, phía tây Trường Sơn có hệ thống sông Sê San, phía đông Trường Sơn có hệ thống sông Ba... nên Gia Lai có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, với tổng trữ năng khoảng 10,5 đến 11 tỷ KW giờ điện. Ngoài các công trình thủy điện lớn như Ia Ly, Sê San, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4... đã được đưa vào dự kiến khai thác trong tổng sơ đồ ngành điện giai đoạn 2010, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 100 công trình thủy điện vừa và nhỏ, có thể khai thác đưa vào sử dụng.
Là một tỉnh miền núi, có nhiều cảnh quan thác nước thiên nhiên hùng vĩ, có thể nói tiềm năng du lịch của tỉnh Gia Lai khá đa dạng. Ngoài du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên ở các công trình trọng điểm thủy điện Ia Ly, thủy lợi Ayun Hạ... còn có loại hình du lịch văn hóa gắn với nền văn hóa lâu đời nguyên sơ, mang đậm bản sắc các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như cưỡi voi, đua thuyền độc mộc... Ðó là những lợi thế đồng thời cũng là những tiềm năng của tỉnh, mà trong nhiều cuộc họp, hội nghị... đánh giá rút kinh nghiệm về công tác hợp tác, kêu gọi đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa khai thác hết và là những lĩnh vực cần kêu gọi các nhà đầu tư.
Về tiến độ thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư vẫn còn chậm, mà nguyên nhân chính vẫn là các vấn đề thuộc về thủ tục hành chính, việc giải phóng, giao nhận mặt bằng, công tác đền bù giải tỏa còn nhiều ách tắc, nhiêu khê... Thấy rõ những bất cập này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng khẳng định: Trong kế hoạch những năm tới, tỉnh đang tiếp tục có những điều chỉnh bổ sung chính sách ưu đãi phù hợp, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, trong đó đặc biệt ưu tiên, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư trên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; các ngành nghề chế biến tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ... Mới đây nhất, tỉnh đã ban hành bổ sung vào Quyết định 451/QÐ-UB ngày 11-6-2003 của UBND tỉnh về chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư nhà cao tầng (từ 15 tầng trở lên ) theo đó, tỉnh sẽ trích ngân sách hỗ trợ từ 20 đến 30% tiền sử dụng đất tùy theo số lượng công trình và thời gian được đầu tư. Kết quả đến nay đã có hai công trình nhà chung cư 18 và 22 tầng đầu tiên, do Công ty Cổ phần Hoàng Anh và Ðức Long làm chủ đầu tư với số vốn 129 tỷ đồng được xây dựng và đưa vào sử dụng trên địa bàn TP Plây Cu. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng thêm một số khu, cụm công nghiệp như Khu công nghiệp Nam Hàm Rồng (TP Plây Cu), thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và huyện Chư Sê... Những năm qua, UBND tỉnh cũng đã thành lập đường dây nóng, thường xuyên duy trì các buổi gặp mặt, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp theo định kỳ, lắng nghe và kịp thời giải quyết những vướng mắc của các nhà đầu tư; trong đó coi trọng cải tiến các thủ tục hành chính một cửa, đặc biệt từ năm 2007, tỉnh đã thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" ở một số lĩnh vực như đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư, giao đất, cho thuê đất... nhờ vậy đã giải quyết giảm 1/3 thời gian theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, đã được các nhà đầu tư chấp nhận và đó cũng chính là mục tiêu mà tỉnh đang hướng đến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận và đến với tỉnh./.