Ngày 04/03/2010-10:20:00 AM
Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010 trong hai ngày 2 - 3/3/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chú trọng tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo an sinh xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để lạm phát tăng cao trở lại
|
Thảo luận về kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2010, các thành viên Chính phủ cho rằng: Tuy là tháng có đợt nghỉ Tết Canh Dần kéo dài 9 ngày nhưng các ngành, doanh nghiệp, nhân dân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục đà phát triển
Hai tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%, nông nghiệp ổn định, thương mại, dịch vụ tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm ước tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt vào dịp Tết Canh Dần đã thu hút lượng lớn khách du lịch cả trong và ngoài nước, bà con Việt Kiều về quê ăn Tết và tham dự các lễ hội. Riêng tại Hà Nội trong 3 ngày Tết đã có gần một vạn khách quốc tế nhập cảnh.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.913 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2009. Nhập siêu 2 tháng đầu năm đạt 1.745 triệu USD, bằng 19,6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 năm 2010 tăng 1,96% so với tháng 1 năm 2010, tăng 3,35% so với tháng 12/2009,
Các thành viên Chính phủ cũng tập trung phân tích, đề ra biện pháp xử lý việc giá cả tiêu dùng có dấu hiệu tăng. Do chịu ảnh hưởng của đợt tăng giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, CPI tháng 2 tăng cao so với tháng 1. Nếu như trước Tết giá cả tương đối ổn định do nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thì sau Tết, giá cả một số mặt hàng đã tăng, nhất là là các loại thực phẩm, hàng ăn.
Mức tăng của chỉ số giá trong 2 tháng vừa qua cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề với các tháng tiếp theo để thực hiện chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao là kiềm chế lạm phátởkhoảng 7%. Đặc biệt, việctăng giá một số nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, như điện từ 1/3/2010, sẽ có tác động đến chỉ số giá trong các tháng tiếp theo, do vậy cần phải có biện pháp để quản lý chặt chẽ thị trường, bảo đảm bình ổn giá cả.
Các thành viên Chính phủ cũng đánh giá Tết Canh Dần 2010 đã được tổ chức vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Vừa kiềm chế lạm phát, vừa bảo đảm thúc đẩy sản xuất phát triển
Với tình hình diễn biến hai tháng đầu năm và xu hướng phục hồi kinh tế thế giới, dự báo tình hình kinh tế trong nước trong thời gian tới tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các năm trước, nhất là trong công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Hạn hán và dịch bệnh trong nông nghiệp, sự phục hồi kinh tế thế giới sẽkéo theo tăng giá ảnh hưởng đến mặt bằng giá nước ta. Ở trong nước, việc điều chỉnh tỷ giá chính thức VND/USD, tăng giá bán lẻ xăng dầu, tăng giá điện… sẽ có những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những diễn biến trên, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng: Cần phải thực hiện nhiều biện pháp để vừa kiềm chế lạm phát, vừa bảo đảm thúc đẩy sản xuất phát triển.
Đối với doanh nghiệp, để khắc phục tác động tăng giá đầu vào đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, cần có biện pháp cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, đẩy mạnh sử dụng nguyên liệu trong nước, giảm chi phí, hạ giá thành,từ đó tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả đầu tư kinh doanh.
Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô
Kết luận phần đánh giá kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm và công tác chỉ đạo điều hành trong những tháng tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các biện pháp, chương trình bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Huy động mọi nguồn lực, tập trung chỉ đạo phòng chống cháy rừng, có biện pháp khắc phục tình trạng khô hạn, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, bảo đảm cho vụ Đông Xuân đạt được kết quả cao nhất; có biện pháp thu mua và thúc đẩy nông sản, nhất là tạo điều kiện để xuất khẩu cà phê.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các thành viên chính phủ bên lề phiên họp
|
Các địa phương, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ cho các hộ nghèo, các hộ nông dân gặp khó khăn do hạn hán, thiên tai, tạo điều kiện ổn định sản xuất và cuộc sống của người dân sau Tết.
Tăng cường các hoạt động thương mại, khuyến khích việc sử dụng hàng nội địa, nhân rộng chương trình ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, tăng cường việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu.
Điều hành thận trọng, linh hoạt lượng tiền cung ứng theo chỉ tiêu được duyệt thông qua công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết mức độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng phù hợp với mục tiêu đã xác định, diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thường xuyên cập nhật thông tin trong và ngoài nước, kịp thời có những đánh giá và dự báo chính xác tình hình để có các biện pháp và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình cụ thể. Tăng cường quản lý thị trường trong nước, chống đầu cơ, tăng giá tùy tiện nhằm bảo đảm ổn định thị trường giá cả, bảo đảm đời sống nhân dân.
Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội tiết kiệm, an toàn, chống lãng phí, khắc phục tình trạng lộn xộn tại một số lễ hội, xử phạt nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tăng cường truy quét tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Không để lạm phát tăng cao trở lại
Trước tình hình giá cả trong dịp Tết tuy có tăng do hệ quả của việc thực hiện gói kích thích, ngăn chặn suy giảm kinh tế, dotâm lý tiêu dùng của người dân trong dịp Tết và giá cả thế giới tăng, tuy không phải tăng quá cao và không tăng đột biến nhưng gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường theo đúng Pháp lệnh giá, không để lạm phát cao quay trở lại.
Bộ Công Thương và các cơ quan thông tin truyền thông công bố rõ trong năm 2010 sẽ không tăng giá điện nữa. Giá than bán cho ngành điệnđã điều chỉnh, nhưng sẽ không tăng nữa, mặc dù giá than bán cho ngành điện mới chỉ bằng 51% giá than bán trên thị trường.
|
Đảm bảo kiềm chế lạm phát, đồng thời đẩy mạnh sản xuất
|
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về thời điểm chỉnh giá sao cho hợp lý nhất, không để tạo ra tâm lý đối với người tiêu dùng về việc tăng giá xăng dồn dập nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt tỷ giá và biên độ lãi suất của các ngân hàng thương mại theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Để kiểm soát nhập siêu, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu. Các Bộ, ngành chủ động và kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng. Đồng thời các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng xem xét, thảo luận cho ý kiếnđối vớiĐề án đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam; dự thảo Nghị định về Đăng ký doanh nghiệp và một số dự án Luật: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Các vùng biển Việt Nam; Luật Khoáng sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|