(MPI Portal) - Ngày 26 tháng 01 năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị giao ban sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 1 năm 2010. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung chủ trì Hội nghị với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng Công ty và một số cơ quan báo chí.
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 01 năm 2010 và gợi ý một số nội dung thảo luận tại Hội nghị. Một số nét chính của báo cáo tháng 01 năm 2010, cụ thể như sau:
1. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2010 ước đạt 62,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng chỉ bằng 95,4% so với tháng 12 năm 2009; trong đó doanh nghiệp nhà nước tăng 23,1%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 31,1% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 29,1%.
Giá trị sản lượng công nghiệp tháng 01 năm 2010 đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do tháng 01 năm 2009 là tháng chịu ảnh hưởng lớn bởi khủng hoảng kinh tế thế giới; mặt khắc số ngày nghỉ Tết Kỷ Sửu năm 2009 kéo dài hơn nên rơi vào tháng 01, còn năm 2010 Tết Canh Dần rơi vào tháng 02. Trong tháng 01 năm 2010, ngành công nghiệp chủ yếu tập trung cho sản xuất hàng phục vụ Tết và triển khai các đơn hàng đầu năm.
Theo địa bàn sản xuất, sản xuất công nghiệp tháng 01 tại nhiều địa phương vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Vĩnh phúc tăng 92,7% ; Phú Thọ tăng 90,1%; Đà Nẵng tăng 66,1%; Bình Dương tăng 65,9%; Quảng Ninh tăng 46,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 37,4%.
Trong khi đó, một số địa phương có quy mô và tỷ trọng sản xuất công nghiệp lớn nhưng có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức tăng trung của toàn ngành là: Hải Dương tăng 27%; Đồng Nai tăng 25,3%; Hải Phòng tăng 17,2%; Thành phố Hà Nội tăng 16,3%; Khánh Hoà tăng 15,4%; Cần Thơ tăng 14,9%.
2. Sản xuất nông nghiệp
Gieo cấy lúa Đông Xuân: Tính đến ngày 15/01/2010 cả nước đã gieo cấy được 1.881 nghìn ha lúa Đông Xuân, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó miền Bắc gieo cấy được 73,9 nghìn ha bằng 72% so với cùng kỳ, miền Nam gieo cấy được 1.807 nghìn ha, tăng 5,1% so với cùng kỳ, trong đó đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.495 nghìn ha, tăng 6%.
Thu hoạch lúa mùa ở miền Nam: tính đến ngày 15/1/2010 các tỉnh miền Nam thu hoạch được 647 nghìn ha, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 266 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn chủ yếu vẫn là: hạn hán, dịch hại cây trồng, dịch bệnh ở gia súc gia cầm. Để phòng chống nguy cơ cao xảy ra dịch hại trong vụ lúa Đông Xuân 2009-2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các tỉnh áp dụng các biện pháp cần thiết như: làm đất, bẫy đèn, kiểm tra thường xuyên, hỗ trợ tiêu huỷ, tuyên truyền biện pháp phòng chống trên phương tiện thông tin đại chúng để phòng chống dịch bệnh.
Về lâm nghiệp: do tình hình thời tiết rét đậm ở các tỉnh phía Bắc trong tháng 01 nên chỉ có một số địa phương ở Trung bộ và Nam bộ trồng được 558 nghìn cây lâm nghiệp. Sản lượng gỗ khai thác trong kỳ ước tính đạt 280 nghìn m3, tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước.
Về thuỷ sản:
Khai thác thuỷ sản: Sản lượng khai thác thuỷ sản tháng 01 năm 2010 ước tính đạt 201 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá 155 nghìn tấn, tôm đạt 9,5 nghìn tấn. Khai thác biển đang vào vụ cá Bắc, thời tiết khá thuận lợi ở khu vực biển miền Trung và Bắc bộ; thị trường khai thác thuỷ sản tiêu thụ nhanh, giá bán cao và ổn định, hơn nữa là tháng giáp Tết nên ngư dân tranh thủ thời gian đi khai thác. Hiện nay các địa phương đang cố gắng hoàn tất thủ tục và tập huấn cho doanh nghiệp và chủ tàu thực hiện các thủ tục xác định nguồn gốc thuỷ sản khai thác khi xuất khẩu sang EU.
Nuôi trồng thuỷ sản: Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 01 năm 2010 ước đạt 150 nghìn tấn, tăng 4,2%; trong đó sản lượng cá đạt 112 nghìn tấn tăng 3,7%, sản lượng tôm đạt 20 nghìn tấn tăng 5,3%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tăng khá do các địa phương phát triển mạnh mô hình nuôi đa canh, đa con, kết hợp với làm vườn cho năng suất cao được bà con nông dân mạnh dạn đầu tư. Trong kỳ các địa phương đang tích cực chuẩn bị con giống, nạo vét và cải tạo lại ao, đầm để thả nuôi vụ tới.
3. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển
Hoạt động du lịch: Trong tháng 01 năm 2010 nhiều sự kiện văn hoá lễ hội diễn ra trên khắp các địa phương trong cả nước, cũng trong thời gian này nhiều tàu du lịch nước ngoài cũng chọn Việt Nam là điểm đến trong tháng như: tàu Voyages of Discovery với 900 du khách, tàu Spirit of Discovery với 800 du khách, tàu biển 5 sao Costa Classica chở 2.000 du khách.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 01 năm 2010 ước đạt hơn 416 nghìn lượt, tăng 10,6% so với tháng 12/2009 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 01/2010 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không đạt 244 nghìn lượt, đi bằng đường bộ đạt 67 nghìn lượt.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách: Gần đến tết âm lịch nên lưu lượng hàng hoá có nhu cầu vận chuyển lớn, có tác động tích cực đến lĩnh vực dịch vụ giao thông vận tải. Sản lượng vận tải tháng 01 năm 2010 ước đạt 54,6 triệu tấn hàng hoá vận chuyển, 15,5 tỷ TKm luân chuyển, tăng 5% về tấn vận chuyển và 11,2 về tấn luân chuyển, tăng 6,6% về hành khách vận chuyển và 8,2% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm 2009.
4. Hoạt động xuất nhập khẩu
Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 01 năm 2010 ước đạt 4,9 tỷ USD, tăng 28,1% so với tháng 01 năm 2009, trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,1 tỷ USD tăng 35,3%. Một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với tháng 01 năm 2009 là: đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 87%; cà phê giảm 4,7%.
Kim ngạch tháng 01 năm 2010 có sự tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ là do tháng 01 năm 2009 rơi vào Tết âm lịch. Mặt khác, sự tăng trưởng trên còn do giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu tháng 01 năm nay cao hơn so với cùng kỳ như: giá sắn và sản phẩm từ sắn tăng gần gấp đôi, than đá tăng 32%, chè các loại tăng 27%, hạt tiêu tăng 20%, gạo tăng 18%, hạt điều tăng 14%, đặc biệt giá dầu thô và cao su đã tăng gấp 2 lần. Tính riêng do sự tăng giá của các mặt hàng này, kim ngạch xuất khẩu tháng 01 năm 2010 tăng khoảng 450 triệu USD.
Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 01 năm 2010 ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 86,6% so với tháng 01 năm 2009; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 93,4%. Cũng như xuất khẩu, lý do kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ là do số lượng ngành dành cho hoạt động nhập khẩu thời điểm này năm 2009 ít hơn do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán, cùng với những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới, giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tháng 01 năm 2010 cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Nhập siêu tháng 01 năm 2010 ước đạt 1,3 tỷ USD, bằng 26,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
5. Hoạt động ngân sách
Thu ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nướctính đến 15/01/2010 ước đạt 20 nghìn tỷ đồng, băng 4,3% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, bằng 4,6% dự toán năm; thu từ dầu thô đạt 2,15 nghìn tỷ đồng, bằng 3,2% dự toán năm; thu từ hoạt động xuẩt nhập khẩu đạt 4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,2% dự toán năm.
Chi ngân sách nhà nước: Tổng chi ngân sách nhà nước đến 15/01/2010 ước đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7% dự toán năm; trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, bằng 2,5% dự toán năm. Chi trả nợ và viện trợ ước đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, bằng 4,1% dự toán năm. Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, quản lý hành chính ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,2% dự toán năm.
6. Đầu tư phát triển
Khối lượng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Ngân sách nhà nước ước thực hiện đạt 8.971 tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch năm; trong đó các bộ ngành Trung ương quản lý đạt 2.143 tỷ đồng, bằng 5,7% kế hoạch năm. Cụ thể một số bộ như sau: Bộ Giao thông Vận tải đạt 392 tỷ đồng, bằng 5,9%; Bộ Công thương đạt 230 tỷ đồng, bằng 5,7%; Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đạt 33,4 tỷ đồng, bằng 5,7%; Bộ Xây dựng đạt 52 tỷ đồng, bằng 5,5%; Bộ Y tế đạt 65 tỷ đồng, bằng 5,2%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 49,9 tỷ đồng, bằng 4,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 153 tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm. Các địa phương quản lý đạt 6.828 tỷ đồng, bằng 7,8% kế hoạch năm, trong đó có một số địa phương có tiến độ thực hiện khá là: Ninh Bình đạt 153 tỷ đồng, bằng 12,7%; Nghệ An đạt 255 tỷ đồng, bằng 11,8%; Quảng Trị đạt 125 tỷ đồng, bằng 11,7%; Hoà Bình đạt 86 tỷ đồng, bằng 10,6%; Thái Nguyên đạt 78 tỷ đồng, bằng 9,9% kế hoạch năm.
Riêng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch tháng 01 năm 2010 ước đạt thấp, chỉ đạt 11,7 tỷ đồng, bằng 0,04% kế hoạch năm, trong đó nguồn vốn cho vay đầu tư trung và dài hạn thực hiện thấp, chỉ đạt 8,1 tỷ đồng, bằng 0.03% kế hoạch năm.
Tại cuộc họp, các Bộ ngành, Tập đoàn, Tổng Công ty và đại diện các địa phương đã thảo luận và đóng góp một số ý kiến liên quan đến:
- Tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu tháng 01 năm 2010;
- Tình hình giải ngân vốn ODA và thu hút vốn FDI tháng 01 năm 2010;
- Tình hình triển khải các lĩnh vực dịch vụ;
- Tình hình triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010 của các nguồn vốn;
- Tình hình chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán của các địa phương./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư