Tối 28/1 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2010 với chủ đề "Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn". Thủ tướng là một trong những diễn giả nổi bật khi trao đổi xung quanh bài học thành công của Việt Nam về đối phó với khủng hoảng, duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững...
|
Thủ tướng phát biểu tại WEF Davos năm 2007
|
Tham dựphiên thảo luận có Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Crean, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD)Angel Gurría, Tổng Thư ký Tổ chức Công đoàn Thế giới (UNI Global) Philip J.Jennings, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Jong – Hoon, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Mari Elka Pangestu và nhiều CEO hàng đầu thế giới.
Các diễn giả tham dự phiên thảo luận đã tập trung phân tích những bài học kinh nghiệm mà cả thế giới phải trả giá từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Các nền kinh tế mới nổi, nhất là ở khu vực châu Á có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giảm bớt được tác động tiêu cực và duy trì được tăng trưởng với tốc độ tương đối khả quan.
Thủ tướng nhấn mạnh: Khả năng dự báo đóng vai trò rất quan trọng trong hoạch định chính sách và bảo đảm tăng trưởng dài hạn. Chính vì vậy cần xây dựng năng lực đánh giá, dự báo tình hình để đề ra các giải pháp thích hợp gắn với điều hành thực hiện các quyết sách quyết liệt và linh hoạt. Bên cạnh đó, việc thường xuyên rà soát, cập nhật các đánh giá và phân tích để điều chỉnh chính sách kịp thời là hết sức cần thiết.
Một vấn đề không kém phần quan trọngđược Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên thảo luận, đó là phải tạo đồng thuận xã hội cao mới có thể huy động mọi nguồn lực cùng thực hiện các chính sách đề ra. Từ kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cùng với tập trung các giải pháp nhằm ổn định cân đối vĩ mô, xử lý các thách thức ngắn hạn, cần chú trọng những chính sách đảm bảo tăng trưởng và phát triển trong dài hạn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Đối với một nước ở gần ngưỡng thu nhập trung bình như Việt Nam, một trong những vấn đề cốt lõi bảo đảm duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững, mở ra triển vọng trở thành một nền kinh tế phát triển là chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế cao, liên tục nhưng phải coi trọng ổn định vĩ mô, chất lượng tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững. Điều này gắn với tạo dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.
Trong giai đoạn hậu khủng hoảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đang tập trung nỗ lực thực hiện một số định hướng chính sách ưu tiên.
Cũng tại phiên thảo luận, các diễn giả lần lượt phân tích, đánh giá ngành công nghiệp và xu thế phát triển tiếp tục giúp các quốc gia cân bằng giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời đảm bảo được các vấn đề xã hội; các định chế sẽ hỗ trợ các quốc gia cân bằng giữa tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn như thế nào./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ