Tại cuộc họp cấp cao ngày 25/4 ở Washington, Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua hai vấn đề lớn: nhất trí tăng thêm tiền trợ giúp toàn cầu và trao cho các nền kinh tế mới nổi tiếng nói lớn hơn trên cơ sở mức đóng góp của các nước này cho các thể chế tài chính.
Về huy động vốn, tổ chức gồm 186 nước thành viên này đã thông qua việc tăng vốn 5,1 tỷ USD, mức tăng đầu tiên trong hơn 20 năm qua, để cung cấp các khoản cho vay lớn hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Việc tăng vốn cũng nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay, trợ cấp, đầu tư tài chính và bảo hiểm cho các dự án tư nhân, trị giá hơn 100 tỷ USD trong các cam kết của WB từ tháng 7/2008.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết Mỹ sẽ đóng góp 1,1 tỷ USD cho việc tăng vốn cho WB, đồng thời khẳng định sự tồn tại của WB là hết sức cần thiết.
Về cơ cấu lại quyền bỏ phiếu, WB đã nhất trí tăng 3,13% quyền bỏ phiếu về chính sách ngân hàng cho các nước đang phát triển, nâng "cổ phần" bỏ phiếu của các nước này trong các quyết định của ngân hàng lên 47,19%.
Cả Mỹ và Nhật Bản đều nhất trí hạn chế quyền bỏ phiếu của mình. Bộ trưởng Geithner thừa nhận việc thay đổi cán cân bỏ phiếu phản ánh sự dịch chuyển quyền lực từ các nước thiết lập ra một trong những thể chế lớn nhất thế giới này sang các nền kinh tế mới nổi.
Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Rintaro Tamaki cho biết đây là lần đầu tiên Tokyo giảm tỷ lệ phiếu biểu quyết của mình kể từ khi gia nhập WB năm 1952. Theo thỏa thuận, Mỹ giữ 15,85% quyền bỏ phiếu, Nhật Bản kiểm soát 6,84% và Trung Quốc là 4,42%.
Tại một cuộc họp báo, Chủ tịch WB Robert Zoellick khẳng định cuộc cải cách này cho thấy sự cần thiết phải xóa bỏ khái niệm "Thế giới thứ ba" và hy vọng sự cân bằng về quyền bỏ phiếu giữa các nước phát triển và đang phát triển trong WB sẽ đạt được trong tương lai gần. Dự kiến lần cải cách tiếp theo của WB sẽ diễn ra trong năm 2015.
Trước đó, cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 24/4 cũng đạt thỏa thuận tái cơ cấu lại quyền bỏ phiếu giữa các nước. Những thay đổi tại IMF và WB sẽ có lợi cho Trung Quốc, đưa nước này dẫn trước các nền kinh tế lớn khác như Đức, Pháp, Anh và là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã có vị thế mới - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tạ Húc Nhân đã hoan nghênh cuộc cải cách quyền bỏ phiếu của WB, coi đây là bước đi quan trọng nhằm cân bằng quyền bỏ phiếu giữa các nước phát triển và đang phát triển./.