Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/05/2010-16:02:00 PM
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ "Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam"
(MPI Portal) – Sáng nay (26/05/2010), tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2010 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” đã được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của ông Võ Hồng Phúc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư , bà Victoria Kwakwa Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) , ông Simon Andrews Giám đốc Khu vực Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, đại sứ các nước tại Việt Nam và hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) bà Victoria Kwakwa và Giám đốc Khu vực Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ông Simon Andrews (từ phải sang) - Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Trong bài phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh năm 2010 về cơ bản Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng, kinh tế vĩ mô ổn định tạo đà để tiếp tục phát triển với tốc độ cao trong những năm tới. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam mong muốn những cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa Chính phủ với Cộng đồng doanh nghiệp và các nhà tài trợ cho Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam trong bài phát biểu khai mạc cũng đưa ra nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có những ứng phó tốt khi khủng hoảng xảy ra, tạo điều kiện cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh hiện nay Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung cần được Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện để đầu tư và phát triển.
Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), năm 2010 là một năm đầy hứa hẹn với nền kinh tế Việt Nam, chỉ số tăng trưởng ấn tượng 5,32% trong năm 2009, đạt 5,8% trong quý I năm 2010 và mức tăng trưởng được dự đoán sẽ vượt trên 6,5% trong năm nay. Khả năng tiếp cận tín dụng đã dễ dàng hơn, tuy nhiên chi phí cho việc tiếp cận tín dụng vẫn còn tốn kém.
Việt Nam cũng đã tăng vị thế của mình trên trường quốc tế thông qua việc đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của Hội đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2010.
EuroCham cho rằng thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong năm 2010 là cân bằng tốc độ tăng trưởng mà không gia tăng lạm phát, đồng thời tạo ra các giải pháp bền vững trong dài hạn cho quốc gia. Việt Nam dự kiến sẽ cần khoảng 70 đến 80 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong 5 – 10 năm tới. Việc phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam để tăng năng lực cạnh tranh trong khu vực và hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một thách thức lớn là việc đồng bộ hóa các loại hình cơ sở hạ tầng khác nhau để làm tăng lưu lượng hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng sản phẩm. Các dự án hợp tác công – tư (PPP) sẽ là nhân tố quan trọng để nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam khi đất nước hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành các quy định mới để xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý áp dụng cho các dự án và hợp đồng PPP.
EuroCham rất hoan nghênh cách tiếp cận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc ưu tiên giải quyết những vấn đề trong các dự án PPP và tin rằng đây là ví dụ tốt về cách làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với khu vực tư nhân và là cơ hội lớn cho khu vực tư nhân nước ngoài tác động đến các vấn đề về pháp lý trong các dự án PPP – một lĩnh vực quan trọng.
Đối với lĩnh vực năng lượng và điện, mức tiêu thụ điện vẫn tiếp tục tăng ở mức 15% hàng năm, mức tăng này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và được dự kiến sẽ cao gấp 3,5 lần đến năm 2020, so với số liệu năm 2009/2010.
Cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài đều thống nhất rằng, quy trình phê duyệt cho việc đầu tư và thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khó khăn và tiêu tốn nhiều thời gian. Thủ tục hành chính phức tạp và đôi khi việc triển khai luật và quy định không có sự phối hợp và không đồng bộ giữa các cơ quan khác nhau, gây ra những rào cản lớn trong việc điều hành một hoạt động kinh doanh và thành công của Việt Nam.
Về việc bình ổn giá, EuroCham và Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đáng giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để bảo vệ sự bình ổn giá của một số mặt hàng thiết yếu và ngăn chặn lạm phát.
Trong bài phát biểu tại Diễn đànbà Jocelyn Tran, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) mong muốn thấy nhiều hành động hơn nữa để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định của luật pháp, quan hệ lao động, sự phát triển của sản xuất, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho sản xuất và xuất nhập khẩu. AmCham tin tưởng rằng môi trường kinh doanh sẽ được hỗ trợ tốt nhất bằng những hành động giúp nâng cao năng xuất, giảm chi phí và rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Hiroyuki Moribe, Trưởng Đại diện văn phòng Jetro Hà Nội phát biểu dưới góc nhìn của các nhà đầu tư Nhật Bản thì nhiều công ty Nhật Bản ở Việt Nam đã vượt doanh số bán hàng trước cuộc khủng khoảng kinh tế. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến thị trường tiêu dùng tại Việt Nam. Họ cho rằng môi trường đầu tư ở Việt Nam tốt và đặc biệt giá chi phí lao động hấp dẫn. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại là khó tuyển công nhân, mua phụ tùng, linh kiện trong nước ở mức 24%, thấp thứ hai trong khu vực ASEAN.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau đóng góp ý kiến để hợp tác Công – tư trở thành hiện thực ở Việt Nam. Theo WB dự báo nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam ở mức gần 11% GDP, đồng thời dự báo khả năng thiếu hụt tài chính khoảng 5% GDP. Một phần đầu tư sẽ phải thực hiện dưới dạng Hợp tác Công – tư nhằm tận dụng lợi thế của khu vực doanh nghiệp tư nhân hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và vốn đầu tư.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam hiện xếp hạng cuối cùng trong chỉ số năng lực cạnh tranh về chất lượng cơ sở hạ tầng sơ với các nước lân cận. Chi phí vận chuyển, hậu cần liên quan đến sử dụng cơ sở hạ tầng chiếm 9,5% GDP ở Mỹ; 11% ở Nhật Bản; 21% ở Trung Quốc và 25% ở Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới nhận định nhu cầu cơ sở hạ tầng ở Việt Nam là rất lớn. Nhu cầu về điện năng tiếp tục tăng lên trên 15% một năm và sẽ vào khoảng 60 tỷ USD vào năm 2025. Do đó cần tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo. Tiết kiệm năng lượng sẽ là yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam. Bên cạnh đó nhu cầu đầu tư về viễn thông, bến cảng, sân bay, đường bộ, đường sắt và vận tải đường không cũng rất lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính cần 139 tỷ USD trong 5 năm tới./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1231
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)