Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/09/2010-15:42:00 PM
Liên kết và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long
(MPI Portal) - Ngày 06/9/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Đầu tư và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại thành phố Cần Thơ.
Hội nghị với chủ đề "Liên kết và Phát triển" đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành tại Trung ương. Đặc biệt, Hội nghị lần này có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Hội nghị đã nghe bài phát biểu khai mạc của Bí thư thành ủy Thành phố Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên và phát biểu chỉ đạo Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Các nội dung chính được thảo luận và trình bày trong phiên buổi sáng ngày 06/9/2010 là: Tiềm năng và cơ hội vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển quy hoạch vùng và chính sách thu hút đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn 2020; Chương trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2010 - 2020; Định hướng phát triển nông nghiệp và quản lý nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; Vị trí của thành phố Cần Thơ trong mối liên kết vùng.
Ông Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ,phát biểu chào mừng Hội nghị - Ảnh Đức Trung (MPI Portal)
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư thành ủy Thành phố Cần Thơ đã nhấn mạnh những tiềm năng, hạn chế và đề ra những giải pháp chiến lược cho vùng trong thời gian tới như: huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch một cách căn cơ, đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông, với tinh thần giao thông phải được đầu tư đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng; thống nhất trong phân công vai trò, nhiệm vụ giữa các tỉnh trong vùng, dựa trên tiềm năng và lợi thế đối với sự phát triển chung của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và các vùng trong cả nước, với các nước trong khu vực và trên thế giới để đầu tư xây dựng và phát triển đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và vững mạnh về chính trị, bảo đảm về an ninh quốc phòng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh Đức Trung (MPI Portal)
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và tin tưởng rằng, thông qua Hội nghị này, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp có dịp trao đổi những thông tin mới nhất về cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, các dự án tiềm năng của phía Việt Nam đang kêu gọi và khuyến khích đầu tư; những vấn đề khó khăn vướng mắc đối với việc kinh doanh, đầu tư cần được làm rõ và tháo gỡ. Từ đó, các bên liên quan cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt các tiềm năng, thế mạnh của cả vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, có ngày càng nhiều các dự án đầu tư đủ lớn, đủ tầm mang biểu tượng của sự liên kết vùng, sớm đem lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, phátbiểu quy hoạch vùng và chính sách thu hút đầu tư cho vùng ĐBSCL tầm nhìn 2020 - Ảnh Đức Trung (MPI Portal)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã đưa ra những nhận định quan trọng cho mục tiêu phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Đẩy mạnh việc liên kết vùng miền, trong đó tập trung phát triển mạnh vào những ngành, lĩnh vực mà các tỉnh, thành có lợi thế để tạo động lực và tạo đà cho sự phát triển chung của toàn khu vực. Đây là giải pháp có tính chiến lược, khai thác được tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực và tiếp cận công nghệ mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Để đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với tiềm năng và thế mạnh của vùng thì lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề cũng là nhu cầu to lớn, phải giải quyết trong nhiều năm tới. Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL cơ bản được hình thành, nhưng so với yêu cầu phát triển thì còn nhiều nội dung phải tiếp tục triển khai thực hiện. Việc quy hoạch, phát triển đô thị của toàn vùng, trong đó có các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh theo từng hướng, phù hợp với quy hoạch xây dựng chung đã được Chính phủ phê duyệt gắn với quy hoạch và xây dựng các khu dân cư, các trung tâm thương mại và dịch vụ cũng là yêu cầu lớn. Các đề án phát triển các khu kinh tế với các dự án trọng điểm cũng là một trọng điểm trong kêu gọi đầu tư. Vấn để đầu tư xây dựng các cảng sông ở vùng này cũng cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL trong thời gian qua mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và sự nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân, sản xuất nông, lâm, thủy sản tại vùng ĐBSCL trong thời gian qua vẫn phát triển khá nhanh. ĐBSCL đã trở thành vùng cung cấp lương thực, trái cây, thuỷ sản lớn nhất của cả nước, có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, thuỷ sản của nước ta. Định hướng phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL trên nguyên tắc phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế chung của cả nước, trong đó vai trò của vùng ĐBSCL đã được xác định là: "Tiếp tục phát huy vai trò của vùng lúa và nông sản, thuỷ sản xuất khẩu lớn nhất cả nước; đẩy mạnh sản xuất và nâng cao chất lượng lương thực, rau quả, chăn nuôi, thuỷ sản hàng hoá. Phát triển công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ". Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và bền vững, hoà chung nền kinh tế cả nước từng bước hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Tại Hội nghị, đại diện của các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã trình bày những chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới./.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh, thành phố bao gồm: 1 thành phố trực thuộc trung ương (Thành phố Cần Thơ) và 12 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) với diện tích tự nhiên trên 4 triệu ha, dân số khoảng 18 triệu người (chiếm 21% cả nước); có đường biên giới với Campuchia dài khoảng 330 km; bờ biển dài trên 700 km với khoảng 360.000 km2 vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; hàng năm đóng góp gần 20% GDP của cả nước. Là vùng châu thổ lớn và phì nhiêu bậc nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á. Tiềm năng và thế mạnh của ĐBSCL trong giai đoạn mới vẫn là nông nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào. ĐBSCL là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, ĐBSCL đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 58% sản lượng thuỷ sản sản xuất hàng năm; chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước.
Quang Tùng - Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1222
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)