Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 2/9 cảnh báo nợ công của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (nhóm G20) đã tăng từ mức 78% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2007 lên mức kỷ lục 97% GDP trong năm ngoái, và sẽ tăng tới 115% GDP vào năm 2015.
Cả ba nghiên cứu độc lập của IMF đều kết luận rằng nợ công của các nền kinh tế phát triển trong nhiều thập kỷ qua đóng vai trò "công cụ giảm sốc cuối cùng," vì vậy, sẽ tăng nhanh trong khủng hoảng nhưng cũng không giảm nhanh sau khủng hoảng.
Giám đốc các vấn đề tài chính Carlo Cottarelli và nhà kinh tế cấp cao của IMF Andrea Schaechter cảnh báo các nền kinh tế G20 - vốn đã tăng chi tiêu từ giữa thập niên 60 của thế kỷ 20 và đang phải gánh mức nợ cao kỷ lục do khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu - không nên phản ứng quá mức trước gánh nặng nợ kỷ lục này để tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới.
Các nghiên cứu của IMF nhấn mạnh các nền kinh tế phát triển nhất không thể giải quyết bài toán nợ trong tương lai gần do xã hội các nước này ngày càng già đi cùng với sự biến đổi khí hậu tiếp tục là sức ép lớn đối với tài chính công.
Vì vậy, các nước này cần khẩn cấp cải tổ chính sách tài chính dài hạn để cải thiện dần dần và bền vững nợ trong các thập kỷ tới.
Các nhà kinh tế IMF kêu gọi thành lập Tổ chức Thuế thế giới, một cơ quan quốc tế độc lập, để điều phối các chính sách thuế và giúp các nước chống thất thu thuế - một nguồn tài chính khổng lồ đang bị thất thoát, để tăng nguồn thu và cân bằng tài chính ở các nước G20 một cách bền vững.
Ý tưởng này đã được nêu ra hồi cuối những năm 80 của thế kỷ trước và được nhắc lại vào đầu thập kỷ này./.