(MPI Portal) – Hội nghị Đầu tư và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long bế mạc chiều 6/9 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cùng sự tham gia của các nhà quản lý, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
|
Toàn cảnh Toạ đàm Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư thành công tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại buổi tọa đàm này, đã có nhiều dự án với số lượng vốn lớn được ký kết từ các nhà đầu tư tạo đòn bẩy cho sự phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tòa đàm đã thống nhất cần tạo chuyển biến mạnh trong thu hút đầu tư và phát triển để tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của khu vực này.
Tuy nhiên khu vực này còn có những khó khăn nhất định như: hạ tầng cơ sở chưa phát triển, nguồn nhân lực tại các địa phương còn bị hạn chế, thủ tục hành chính còn chậm…dẫn đến nguyên nhân nhà đầu tư phải tốn nhiều thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Để dự án đi vào hoạt động thường nhà đầu tư phải mất trên 3 năm để lo các thủ tục, chưa kể những thay đổi khách quan đột xuất ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư khiến cho nhiều nhà đầu tư phải chùng bước.
Theo nhận định của Ông Ashok Sud, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Châu Âu (Eurocham), đồng bằng sông Cửu Long là điểm đầu tư hấp dẫn. Trước mắt, Eurocham sẽ giới thiệu một nhóm các nhà đầu tư tiềm năng đến làm việc với Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để khai thác kế hoạch đầu tư ở khu vực này. Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long cần có "chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư", có khả năng cung cấp "nguồn nhân lực có tay nghề", cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hỗ trợ tốt hơn cho nhà đầu tư bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, để họ có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp phép. Công tác xúc tiến đầu tư cần được đổi mới và nâng cao chất lượng.
Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương cần tạo bước đột phá căn cơ và đồng bộ về cải cách hành chính và hạ tầng cơ sở; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long bao gồm đường sông, đường biển, đường sắt, các cảng sông, biển, hàng không. Song song với tiến độ xây dựng hạ tầng cơ sở đang được đẩy mạnh, Chính phủ cần tạo chuyển biến về thủ tục hành chính nhằm giúp đỡ các nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án, rút ngắn được thời gian, bảo đảm tiến độ đấu tư kịp đưa công trình vào khai thác đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư khi gặp khó khăn. Cần có kế hoạch cụ thể đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với những nhà đầu tư tự bỏ tiền ra xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm dự án.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đều nhận định rằng đồng bằng sông Cửu Long là vùng giàu tiềm năng kinh tế trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư./.
Tùng Linh - Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư