Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/08/2010-15:03:00 PM
Nỗ lực xây dựng ASEAN trở thành một thị trường thống nhất
Bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN đã tiến hành thảo luận, đưa ra định hướng và cam kết về hợp tác kinh tế ASEAN, đồng thời triển khai tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trong việc hình thành Cộng đồng kinh tế vào năm 2015.

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế 4 nước Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam

Ngày 28/8, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế 4 nước Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam (CLMV) tổ chức tại Đà Nẵng, đã khép lại tuần lễ “Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 (AEM 42), Hội nghị hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 4 (AEC 4) và các hội nghị liên quan”.
Xuyên suốt chuỗi sự kiện này, Bộ trưởng các nước ASEAN đã tiến hành thảo luận, đưa ra định hướng và cam kết về hợp tác kinh tế ASEAN, đồng thời triển khai tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trong việc hình thành Cộng đồng kinh tế vào năm 2015.
Bộ trưởng các nước cho hay, những vấn đề trụ cột như rà soát việc thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN giai đoạn năm 2008-2009 ; xác định những lĩnh vực tập trung thực hiện giai đoạn 2010-2011; thảo luận về những thách thức cơ hội, biện pháp tháo gỡ khó khăn, cản trở việc thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN trong khuôn khổ các hội nghị lần này… các Bộ trưởng sẽ trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN 17, sẽ tổ chức vào tháng 10 tới đây.
Thông báo vớibáo giới, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng khẳng định, Tuần lễ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 (AEM 42), AEC 4 và các hội nghị liên quan tại thành phố Đà Nẵng đã khép lại với nhiều thành công.
Ngoài những nỗ lực xây dựng một ASEAN trở thành một thị trường thống nhất, một cơ sở sản xuất chung và hoàn thành lộ trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, hội nghị cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng khác như thông qua 13 cuộc tham vấn với các nước đối táclà Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zeland, Ấn Độ, EU, Nga, qua đó đánh giá việc thực thi các hiệp định khu vực thương mại tự do, thảo luận các biện pháp thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận thương mại mới và xác định hướng hợp tác kinh tế của ASEAN trong thời giantới với các bên liên quan…
Liên quan đến Hội nghị CLMV lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, mục đích chính của hội nghị là bàn các giải pháp nhằm thực hiện các cam kết của 4 nước trong khuôn khổ ASEAN cũng như khuôn khổ cam kết mà ASEAN đã tham gia. Đặc biệt, Hội nghị CLMV này chú trọng đến việc bàn giải pháp cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế của 4 nước với các nước thành viên ASEAN cũ.
Để thu hẹp khoảng cách phát triển, các Bộ trưởng đã đề nghị mỗi nước thực hiện các biện pháp như tăng cường hợp tác CLMV trong việc xây dựng và thực hiện các dự án thuộc khuôn khổ Kế hoạch Công tác IAI (Khung Chiến lược về Sáng kiến liên kết ASEAN) lần thứ 2; hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng các dự án ưu tiên theo trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng; tăng cường hơn nữa hợp tác trong đàm phán Hiệp đình Thương mại Tự do (FTA) và các đàm phán khác vì lợi ích chung của mỗi nước cũng như cả khối CLMV; tiếp tục nghiên cứu đề xuất thành lập Quỹ Phát triển CLMV…
Thực tế cách đây 7 năm, tổ chức hợp tác giữa 4 nước CLMV đã được hình thành với mong muốn trở thành một động cơ đồng bộ trong cỗ máy ASEAN, cụ thể là 4 nước đã thông qua Tuyên bố Viêng Chăn về Hợp tác và Hội nhập Kinh tế giữa các nước tại Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ nhất, tháng 11 năm 2004.
Và bốn năm sau (11/2008), tại Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 4, lãnh đạo 4 nước nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên trong cộng đồng ASEAN, tuy nhiên đến nay khoảng cách phát triển luôn là thách thức thường trực đối với mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 của các nước này.
Theo ông Lê Quang Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên - Bộ Công Thương Việt Nam, sáng kiến hội nhập kinh tế của ASEAN cũng đã được thực hiện từ năm 2002 đến nay, nhưng những gì mà CLMV đạt được trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng. Hiệnkim ngạch thương mại của Việt Nam với các 3 nước có giá trị tương đối thấp, nhất là với Myanmar và Lào, chỉ từ 148 - 400 triệu USD/năm và càng thấp hơn khi so với tổng kim ngạch thương mại của ASEAN.
Một mặt, do trình độ phát triển của 4 nước CLMVcòn thấp hơn nhiều so với 6 nước còn lại trong khối ASEAN nên mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 cũng tạo thêm khá nhiều áp lực cho các nước này phải đẩy nhanh quá trình phát triển và hội nhập một cách sâu rộng.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN 42, tối 27/8 đã diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng Hợp tác phát triển vùng lòng chảo sông Mekong (AMBDC) với sự tham gia của đại biểu đến từ các nước ASEAN và Trung Quốc.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã ghi nhận tiến độ triển khai các dự án AMBDC đồng thời trao đổi việc tìm kiếm một phương thức tài trợ mới để huy động vốn cho các dự án AMBDC. Tính đến nay, đã có 47 dự án đang được triển khai ở các mức độ khác nhau, 14 dự án với tổng vốn 272,5 triệu USD hiện chưa có vốn tài trợ.
Nhân dịp này, các Bộ trưởng tiếp tục đặt sự quan tâm vào dự án dẫn dắt chính của AMBDC, đó là dự án Đường sắt Singapore - Côn Minh (SKRL) và ghi nhận tiến độ triển khai dự án này. Với dự án SKRL, hiện đã có 4,7 triệu USD vốn tài trợ không hoàn lại được huy động, khoảng 40 triệu USD đã được ADB cho Campuchia vay. Các Bộ trưởng cũng thông báo, cuộc họp Nhóm công tác SKRL lần thứ 12 sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm 2010 ở Siem Reap, Campuchia./.
Nguyên Châu
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1175
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)