Trong nghiên cứu chính sách sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, nhà kinh tế chủ chốt đồng thời là Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Justin Yifu Lin khẳng định thể chế tài chính đa phương này cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhằm giúp các nước nghèo vượt qua khủng hoảng trong tương lai.
|
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Justin Yifu Lin.
|
Ông Yifu Lin khẳng định các nước nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương trong mọi cuộc khủng hoảng do không có nguồn tài lực để làm giảm các tác động và cải thiện tình hình. Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng có thể liên tục tái diễn trong tiến trình phát triển kinh tế thế giới.
Vì vậy, để tăng cường khả năng của các nước nghèo trong việc đối phó với khủng hoảng, các chính phủ và cộng đồng tài chính quốc tế trong đó có WB phải đóng vai trò quyết định.
Phó Chủ tịch WB còn khuyến cáo thể chế này cần sử dụng kiến thức cũng như tiềm lực tín dụng để hỗ trợ chính sách của các chính phủ, cung cấp trợ giúp kỹ thuật và cho vay đầu tư vào công nghệ, thủy lợi, hạ tầng cơ sở nông thôn … để xử lý rủi ro.
Ông cho rằng WB có vị thế quốc tế tốt nhất để hỗ trợ các nước thúc đẩy buôn bán tự do và thực hiện hành động toàn cầu nhằm làm dịu tác động của khủng hoảng cũng như đóng vai trò căn bản trong việc hỗ trợ các nước vừa thực hiện các chiến lược thoát khỏi khủng hoảng, vừa thực hiện chương trình an sinh xã hội hiệu quả.
Để thực hiện được các vai trò này trong khủng hoảng kinh tế cũng như thực hiện chức năng hỗ trợ phát triển, WB cần tăng nguồn vốn, giúp các nước nghèo năng động hơn khi đối mặt với khủng hoảng, thông qua những ý kiến tư vấn cùng với nguồn vốn tài trợ để các nước nghèo thực hiện các chính sách vượt qua khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu và lương thực trong năm 2007-2008 đã đẩy từ 135-150 triệu người ở các nước nghèo rơi vào tình cảnh đói nghèo và ngay sau đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2008-2009 lại đẩy tiếp 64 triệu người nữa rơi vào tình cảnh dưới mức đói nghèo vào cuối năm 2010./.