Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đưa tới những biến động về số lượng, kim ngạch và cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
|
Chuyển gạo xuống tàu để xuất khẩu
|
Những biến động này cho thấy xu hướng sự thay đổi của xuất khẩu trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng cho thấy xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Cục xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết giai đoạn 20 năm đổi mới vừa qua, từ năm 1988-2008, đã đánh dấu bước tiến đầy ấn tượng về tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cả về kim ngạch và khối lượng hàng hóa cũng như cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.
Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên tổng GDP của Việt Nam đã tăng từ 30% vào đầu thập kỷ 1990 lên đến 70% vào năm 2008. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong toàn giai đoạn này khoảng 19%/năm cùng với cơ cấu mặt hàng đã có thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng hàm lượng giá trị công nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Mặc dù, quá trình thay đổi này diễn ra với tốc độ còn khiêm tốn nhưng đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững hoạt động xuất khẩu và ổn định kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt năm 2009 khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến hàng loạt các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu ấn tượng đã đạt được, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2009 cũng bộc lộ những yếu điểm có tính chất chiến lược bắt buộc Việt Nam phải có những quyết sách để đặt nền móng cho phát triển xuất khẩu bền vững trong giai đoạn phát triển kinh tế 2011-2020.
Theo Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN), khủng hoảng kinh tế nổ ra tất yếu sẽ tác động đến tình hình trao đổi hàng hóa giữa các nước trên thế giới, tuy nhiên tác động như thế nào và với mức độ ra sao sẽ còn phụ thuộc vào “nội lực” hay “sức đề kháng” của từng nền kinh tế và mức độ hội nhập của nền kinh tế đó trong nền kinh tế toàn cầu.
Để có sự đánh giá đầy đủ, toàn diện xét trên góc độ quốc gia về năng lực xuất khẩu của Việt Nam, bên cạnh một cái nhìn ngắn hạn với các thông tin cập nhật, cần có một cái nhìn bao quát hơn trong một khoảng thời gian đủ dài để xác định được vị trí của Việt Nam đặt trong tương quan với các quốc gia xuất khẩu khác trong khu vực và trên thế giới.
Nếu xét về khả năng xuất khẩu của năm nước châu Á, trong đó có Việt Nam trong khoảng thời gian năm năm, từ năm 2002-2006, nổi bật nhất là Trung Quốc với các chỉ số rất ấn tượng về thực trạng xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu tăng ba lần chỉ trong vòng năm năm, tỉ trọng trong xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc là 8,0831%, gấp 23,4 lần tỉ trọng của Việt Nam (0,3461%).
Mặc dù vậy, Việt Nam cũng là một trong số những nước có tốc độ phát triển xuất khẩu nhanh trên thế giới, đạt 26% theo giá trị xuất khẩu và 9% theo lượng xuất khẩu tính trong năm 2006 (theo tính toán của ITC).
Tuy nhiên, cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam đang phải đối mặt với một thực tế là các mặt hàng xuất khẩu có lượng xuất khẩu lớn, song giá trị xuất khẩu còn chưa cao.
Nếu so sánh với các nước trong khu vực như Malaysia, tuy lượng xuất khẩu của nước này chỉ tăng 2% nhưng đã đủ để tạo ra 14% tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu; hay 8% gia tăng về lượng xuất khẩu của Thái Lan tương đương với việc tăng giá trị xuất khẩu nước này tới 18%.
Chỉ cần làm một phép tính khá đơn giản, với giả định Malaysia đạt được mức tăng trưởng về lượng xuất khẩu 9%, với năng lực xuất khẩu hiện tại của nước này, mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu có thể tăng tới 63% trong khi đối với Việt Nam, thực tế 9% gia tăng trong lượng xuất khẩu chỉ tương đương với 26% gia tăng trong giá trị xuất khẩu. Điều này cho thấy một số nước ngay trong khu vực đã có những tiến bộ hơn hẳn so với Việt Nam trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu.
Số lượng các nhà xuất khẩu lớn trong nước có giá trị xuất khẩu hàng hóa từ 100.000 USD trở lên cũng được cải thiện rõ rệt, cho thấy khả năng xuất khẩu cũng như vị thế ngày càng được cải thiện của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Điều này có thể dễ dàng nhận thấy vì khi có trong tay một lượng hàng hóa có giá trị đủ lớn, người xuất khẩu ít nhiều sẽ có sức ảnh hưởng tới thị trường và nhiều người xuất khẩu có sức mạnh thị trường hợp lại sẽ đem lại thế mạnh cho nước xuất khẩu.
DEPOCEN cũng lưu ý rằng, tuy số lượng các nhà xuất khẩu lớn của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng đây vẫn là con số khá khiêm tốn và cần phải được mở rộng hơn nữa.
Cũng theo DEPOCEN, chỉ số về tỉ trọng của giá trị ba mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu cũng là một chỉ số có nhiều ý nghĩa kinh tế. Tỉ trọng này càng lớn càng chứng tỏ tầm quan trọng của ba mặt hàng này tới giá trị xuất khẩu của quốc gia.
Đối với Việt Nam, ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dầu thô, gạo và dệt may có vai trò quan trọng hơn cả trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với sự phụ thuộc của Việt Nam vào ba mặt hàng này là lớn nhất.
Và khi đó, nếu xảy ra biến động của ba mặt hàng này trên thị trường thế giới, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất./.