Con số thống kê hàng tỷ USD nhập khẩu nông sản, thực phẩm vào Việt Nam, một đất nước vốn có thế mạnh về nông nghiệp khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Số liệu thống kê tháng 4 cho thấy, nhập khẩu nhiều loại nông sản, thực phẩm tiếp tục tăng. Trước đó, một báo cáo chi tiết hơn của Bộ Công Thương cho biết, hai tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông sản và thực phẩm chủ yếu đạt khoảng 280 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó mặt hàng tăng nhiều nhất là gạo tăng 152%; rau, củ tăng 127%; dầu mỡ động thực vật đã tinh chế tăng 96%; chế phẩm từ ngũ cốc, tinh bột, sữa (bánh kẹo, sữa đóng hộp…) tăng 99%; sản phẩm thịt cá, động vật tăng 79% và chế phẩm ăn được khác tăng 84%. Năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng là 1,5 tỷ USD.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, có nhiều mặt hàng thực phẩm nhập khẩu để tiêu dùng là những mặt hàng không thiết yếu, không khuyến khích nhập khẩu. Đặc biệt là mặt hàng thịt và sản phẩm thịt, đồ uống (rượu, bia, nước ngọt…), rau, quả, bánh kẹo và các chế phẩm ăn được khác.
Lý giải vì sao lượng nông sản và thực phẩm nhập tăng mạnh, Bộ Công Thương cho rằng do đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. “Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM nhu cầu đối với hoa quả cao cấp nhập khẩu từ các nước phát triển như Úc, Mỹ… ngày càng tăng cao nên lượng nhập khẩu cũng gia tăng. Đối với mặt hàng thịt và sản phẩm thịt, ngoài nhu cầu nhập khẩu để chế biến hàng thực phẩm, nhu cầu sử dụng thịt nhập khẩu của người dân cũng gia tăng”. Thêm vào đó, không ít mặt hàng đã được giảm thuế xuống 0 – 5%, theo cam kết FTA ASEAN – Trung Quốc và CEPT giữa các nước ASEAN.
Để kiềm chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, Bộ Công Thương kiến nghị tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hoá nông sản, thực phẩm nhập khẩu bằng nhiều hình thức, trong đó có việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc làm này là cần thiết. Trong năm 2009, do việc cắt giảm thuế đột ngột, hoặc nhanh hơn mức cam kết cũng như thiếu hàng rào kỹ thuật đã khiến thực phẩm nhập khẩu, nhất là thịt ồ ạt tràn vào Việt Nam. Điều này gây áp lực mạnh lên ngành chăn nuôi trong nước khiến nhiều hộ chăn nuôi phá sản, trong khi người tiêu dùng phải sử dụng thịt đông lạnh kém chất lượng.
Sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý đã tạo ra nhiều khe hở trong việc quản lý chất lượng nhóm mặt hàng này. Có trường hợp bộ này không cho nhập, nhưng bộ kia lại cho phép nhập.
Ở biên giới phía Bắc, từ nông sản cho đến các loại nội tạng động vật Trung Quốc tiếp tục chảy vào thị trường trong nước. Có thời điểm trung bình mỗi ngày có khoảng 400 tấn nông sản nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mỗi ngày cũng có khoảng 100 – 150 tấn nông sản từ Trung Quốc nhập về, chưa kể hàng trăm tấn nông sản ùa vào theo hình thức biên mậu.
Tuy nhiên, dừng lại ở biện pháp kỹ thuật thôi chưa đủ. Đúng như Bộ Công Thương đánh giá: đối với mặt hàng rau, củ, quả, ta nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc – chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả năm 2009 – qua đường biên mậu do rau quả được trồng với kỹ thuật cao, lại trồng được quanh năm nên lượng rau, củ, quả tương đối dồi dào... Trong khi đó, rau quả của Việt Nam hay bị thiếu hụt nguồn cung trong những lúc trái vụ. Một số loại hoa quả chất lượng kém và chỉ có thời vụ ngắn.
Các giải pháp hay kiến nghị của Bộ Công Thương để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nông sản tuy cơ bản, song thiếu lộ trình thực thi. Do vậy, về dài hạn, một kế hoạch tốt cho rau quả Việt Nam thâm nhập thị trường trong nước phải thể hiện được sự quan tâm đến chất lượng, nhu cầu thị trường và yếu tố an toàn thực phẩm. Thêm nữa, do không có công nghiệp chế biến mạnh nên nông sản, thực phẩm của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, sức cạnh tranh thấp. Các doanh nghiệp nước ngoài sau khi mua nguyên liệu về chế biến thành sản phẩm rồi xuất trở lại Việt Nam với giá cao./.