Kết thúc phiên họp thường niên lần thứ 43 tại Tashkent (Uzbekistan), ngày 4/5, Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thống nhất sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cải cách nhằm thích ứng với môi trường hoạt động mới và để hỗ trợ tốt hơn cho các nước thành viên.
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu tại phiên họp
|
ADB cũng sẽ đa dạng hóa các hình thức trợ giúp của mình để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của các nước hội viên đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hội nhập quốc tế và liên kết khu vực, thực hiện nỗ lực giảm nghèo thông qua tăng trưởng bền vững nhằm tiến tới xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh các quốc gia châu Á đã có những bước phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng sau thời kỳ bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong bài phát biểu khai mạc trước đó, Chủ tịch ADB - ông Haruhiko Kuroda cũng nhấn mạnh nhiều quốc gia đang phát triển mặc dù đã có sự phục hồi nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, dễ chịu tác động trước những cú sốc trong tương lai nếu như không có một cơ chế ứng phó và hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả.
Theo ông Haruhiko Kuroda, những yếu tố bất ổn này bao gồm nguy cơ lạm phát cao, thâm hụt ngân sách lớn, bất bình đẳng xã hội, an sinh xã hội không được bảo đảm. Một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu các nước đề cập đến, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các nước nghèo đang phát triển, đó là nạn ô nhiễm môi trường và những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu.
Các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để tập trung thảo luận về các thách thức hiện nay và trong tương lai đối với kinh tế thế giới, kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và các nước thành viên ADB nói riêng, đặc biệt là những quốc gia thành viên đang phát triển để từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó thích hợp.
Tại Hội nghị, đại diện các quốc gia đã đánh giá cao vai trò và những nỗ lực của ADB trong việc hỗ trợ và ứng phó kịp thời để hỗ trợ các nước thành viên nhanh chóng vượt qua được thời kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước đòi hỏi từng quốc gia thành viên và bản thân ADB cần có những bước cải cách cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm hướng tới một sự tăng trưởng an toàn và bền vững trong tương lai của các nước hội viên đồng thời giúp nâng cao hiệu quả trợ giúp của ADB.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Chính phủ Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó tổng kết những bài học mà Việt Nam đã rút ra trong giai đoạn khủng hoảng trước đây và giai đoạn hậu khủng hoảng hiện nay, đó là cần phải kết hợp cả sức mạnh nguồn nội lực và các nguồn vốn từ bên ngoài. Những nguồn lực này cùng với các chính sách vĩ mô được thực hiện linh hoạt và hợp lý đã giúp Việt Nam nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng và lấy lại đà tăng trưởng.
Theo Thống đốc Giàu, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung ổn định vĩ mô, làm nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đã đề xuất ADB, bên cạnh những mảng hỗ trợ truyền thống, cần đa dạng hóa những biện pháp giúp Việt Nam tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua mô hình liên kết công tư (PPP), bảo lãnh đầu tư và đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực ứng phó và khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu.
Với vai trò là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 vào năm 2011 tại Hà Nội, Việt Nam cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội để quảng bá và mời gọi đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các thành viên của ADB nói riêng và các đối tác trên thế giới.
Bên lề Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đã có 12 cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch và một số lãnh đạo cấp cao của ADB, đại diện các nhà tài trợ cho Việt Nam như Pháp, New Zealand, Hàn Quốc và lãnh đạo cấp cao của một số định chế tài chính lớn như HSBC, Citi Group, Baclay Capital.
Tại các buổi tiếp xúc, phía đối tác đã đánh giá cao những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn phát triển kinh tế và phục hồi sau khủng hoảng đồng thời tin tưởng rằng Việt Nam, với những thế mạnh và tiềm năng sẵn có, sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong thời gian tới đối với các nhà đầu tư nước ngoài./.
Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra trong 4 ngày, từ 1-4/5/2010 tại thủ đô Tashkent, nước Cộng hòa Uzbekistan.
Hội nghị năm nay có sự tham gia đầy đủ đại diện của 67 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của ADB và một số lượng đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu, các định chế tài chính và các tập đoàn đa quốc gia lớn trong khu vực và thế giới.
|