Ngày 6/5, Bộ Dầu mỏ Iraq thông báo mời tất cả các công ty năng lượng quốc tế tham gia đấu thầu phát triển các mỏ khí đốt, trong bối cảnh đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này đang tìm kiếm các nguồn thu mới để tái thiết nền kinh tế.
Sản lượng khí đốt của Iraq hiện nay không đáng kể so với quy mô trữ lượng mà nước này sở hữu.
Báo cáo công bố trong bản tin dầu khí khu vực Khảo sát Kinh tế Trung Đông (MEES) tháng trước cho biết Iraq sẽ gọi thầu khai thác ba mỏ khí đốt có tổng trữ lượng hơn 7.500 tỷ fút khối (210 tỷ m3), gồm mỏ Akkaz ở tỉnh miền Tây Anbar (4.500 tỷ fút khối), mỏ Mansuriya ở Diyala (3.000 tỷ fút khối) và mỏ Sibba ở Basra (60 tỷ fút khối).
Hiện đã có 15 công ty đủ tiêu chuẩn và thư mời thầu sẽ sớm được gửi đi.
Theo ông Assem Jihad, Phát ngôn viên Bộ Dầu mỏ Iraq, sản phẩm khai thác tại các mỏ khí đốt nói trên ban đầu sẽ được dùng để cung cấp cho các nhà máy điện cũng như các nhu cầu khác ở trong nước, sau đó nếu còn thừa sẽ được xuất khẩu.
Bộ trên hy vọng Iraq sẽ đạt được tới ngưỡng ngang bằng với các nhà sản xuất khí đốt khác trong khu vực.
Mỏ Akkaz và Mansuriya từng được đưa ra mời thầu trong vòng đấu thấu hồi tháng 6/2009 nhưng chưa được trao cho công ty nào để khai thác. Tập đoàn dầu mỏ Total của Pháp mới đây khẳng định chắc chắn sẽ tham gia vòng đấu thầu mới này.
Năm ngoái, Iraq đã trao cho các công ty dầu mỏ quốc tế các hợp đồng khai thác 10 mỏ dầu lớn trong nỗ lực nhằm nâng công suất khai thác dầu thô lên 12 triệu thùng/ngày vào năm 2017, từ mức khoảng 2,5 triệu thùng hiện nay.
Doanh thu nhà nước của Iraq phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt xuất khẩu, chiếm tới 85%. Theo Bộ Kế hoạch Iraq, nước này đã khởi động một chương trình lớn nhằm xây dựng các nhà máy điện vận hành bằng khí đốt, trong nỗ lực nhằm tăng gấp ba mức tiêu thụ điện trên toàn quốc vào năm 2014.
Như một phần trong kế hoạch mở rộng này, Chính phủ Iraq đã ký kết các thỏa thuận trị giá hơn 5 tỷ USD với General Electric và Siemens./.