Hiệp định khung hợp tác kinh tế (ECFA) giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan và hiệp định về bảo vệ bản quyền giữa hai bờ Eo biển Đài Loan đều bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/9.
|
Công nhân Trung Quốc làm việc trong xưởng sản xuất.
|
Cả hai hiệp định trên được Hiệp hội Quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan (ARATS) của Trung Quốc đại lục và Quỹ giao lưu hai bờ Eo biển (SEF) của Đài Loan ký kết trong cuộc gặp tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) ngày 29/6 vừa qua.
Trong thông báo đưa ra ngày 11/9, ARATS cho biết ARATS và SEF đã hoàn thành các khâu chuẩn bị và ECFA bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/9.
Mục đích của ECFA nhằm thiết lập cơ chế mang tính hệ thống thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bờ Eo biển Đài Loan. ECFA gồm 16 điều khoản, theo đó từng bước cắt giảm hoặc dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư giữa hai bờ Eo biển. Trong sáu tháng sau khi ECFA bắt đầu có hiệu lực, hai bên tiếp tục thảo luận về các thỏa thuận thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Theo hiệp định, trong vòng hai năm kể từ ngày 1/1/2011, thuế suất đối với 539 mặt hàng Đài Loan xuất sang Trung Quốc đại lục và 267 mặt hàng Trung Quốc đại lục vào Đài Loan sẽ giảm xuống 0%. Các sản phẩm của Đài Loan bao gồm nông sản, hóa chất, máy móc, dệt may và linh kiện ôtô.
Các viện nghiên cứu ở Đài Loan ước tính hòn đảo này sẽ tiết kiệm gần 30 tỷ Đài tệ (943 triệu USD) từ giảm thuế suất sau khi hiệp định có hiệu lực. Viện nghiên cứu kinh tế Trung Hoa có trụ sở ở Đài Bắc dự báo ECFA sẽ thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng GDP của Đài Loan tăng khoảng 1,65% đến 1,72% và tạo thêm 260.000 việc làm mới.
Hiện Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Trong vòng hai thập niên trở lại đây, các doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư ít nhất 83 tỷ USD vào Trung Quốc đại lục và có khoảng 40.000 công ty Đài Loan đang hoạt động tại đây./.