Trong tháng 1 vừa qua, giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh đã đẩy tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc tăng cao hơn, gây thêm áp lực với chính phủ nước này trong việc ngăn chặn lạm phát leo thang.
|
Khách hàng chọn mua rau tại siêu thị ở thành phố Nghi Xương ,tỉnh Hồ Bắc ngày 15/2
|
Theo số liệu của Tổng cục Thống kế quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 4,9% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, do tác động của giá lương thực, thực phẩm tăng tới 10,3% (trong đó giá ngũ cốc tăng 15,1% và giá rau quả tươi tăng 34,8%).
Như vậy, chỉ số này cao hơn 0,3% so với mức 4,6% trong tháng 12/2010 và xấp xỉ mức cao nhất trong vòng 28 tháng qua là 5,1% của tháng 11/2010.
Bắc Kinh đã liên tục tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nguồn cung lương thực, thực phẩm hạn chế vào thời điểm nhu cầu tăng cao là vấn đề khó có thể giải quyết một sớm một chiều.
Ngày 14/2, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) cho biết trong tháng 1 ngoại thương nước này đã tăng 44% so với cùng giai đoạn này năm ngoái nhờ các hoạt động kinh doanh náo nhiệt trước dịp Tết âm lịch ở nước này.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 150,73 tỷ USD, nhập khẩu tăng 51% lên 144,28 tỷ USD. Tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc trong năm vừa qua đạt 295,01 tỷ USD.
Trung Quốc sẽ thành lập một cơ quan giám sát đầu tư nước ngoài, có nhiệm vụ đánh giá cách thức mà các nước tìm cách mua lại các công ty Trung Quốc trong những lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, vận tải, chế tạo máy và các ngành công nghệ chủ chốt.
Trong tuyên bố cuối tuần qua, Chính phủ Trung Quốc cho biết việc thành lập cơ quan này nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Cơ quan này sẽ được thành lập trên cơ sở luật chống độc quyền mà Trung Quốc ban hành năm 2008./.