Ngày 10/8, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẩn cấp kêu gọi các nước không áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lương thực trong bối cảnh thảm họa thiên tai hoành hành dữ dội ở nhiều khu vực đe dọa làm sụt giảm mạnh sản lượng lương thực toàn cầu.
|
Thu hoạch lúa mì
|
Giám đốc điều hành WB, bà Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định dù không thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhưng giá ngũ cốc tăng vọt kể từ tuần trước có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng mới về giá, gây thiệt hại lớn cho các nước nghèo.
Bà cam kết WB với tư cách là thể chế tài chính quốc tế chống nghèo đói sẽ sử dụng các quỹ lương thực dự phòng khi tình hình lương thực thế giới xấu đi nghiêm trọng.
WB nhận định thời tiết xấu và nạn đầu cơ đã đẩy giá nhiều loại lương thực chưa qua chế biến lên cao, từ mức 1,2 USD/10kg cuối năm 1999 lên tới 6 USD/10kg tuần qua. Giá lúa mì giao tháng Chín đã tăng 50% so với cuối tháng Sáu vừa qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong tuần này sau khi Nga tuyên bố cấm xuất khẩu ngũ cốc.
Các nhà xuất khẩu lương thực của Ukraine cũng được yêu cầu cấm xuất khẩu lúa mì. WB cho biết hầu hết các nhà buôn bán lúa mì thế giới đã ngừng mua mặt hàng này do lo ngại không thể xuất khẩu vì lệnh cấm của chính phủ.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala cho biết nghiên cứu tại 26 nước đang phát triển dễ bị tổn thương bởi lệnh cấm xuất khẩu lương, WB chưa thấy dấu hiệu tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thể chế này hy vọng có thể ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng như vậy nếu các nước xuất khẩu lương thực trên thế giới không theo đuổi chính sách cấm xuất khẩu lương thực.
WB cũng đang tiếp xúc với các nhóm viện trợ lương thực ở các nước nghèo để đánh giá tình hình./.