Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/01/2010-14:11:00 PM
Xung lực mới cho ngành khai thác dầu mỏ

Các cường quốc dầu mỏ như Nga, Brazil, Angola, Nigeria và Kazakhstan đang nỗ lực tăng công suất, với sự hỗ trợ của Total, ExxonMobil, BP và các tập đoàn dầu khí khác, nhằm đưa sản lượng toàn cầu tăng thêm 5 triệu thùng mỗi ngày.
Khi giá dầu giảm trong những năm 1990, Royal Dutch Shell và ExxonMobile đã đóng cửa mỏ Schoonebeek nằm trên biên giới Hà Lan và Đức có trữ lượng hàng tỷ thùng. Giám đốc các tập đoàn dầu khí này tính toán rằng việc tiếp tục khai thác 75% trữ lượng còn lại của mỏ này là khó khăn, khi đòi hỏi phải có những công nghệ tiên tiến hơn. Hiện nay, giá dầu ở mức cao và những cải tiến về công nghệ đang thúc đẩy dự án hợp tác mới của Shell, Exxon và Chính phủ Hà Lan để đưa mỏ Schoonebeek hoạt động trở lại.
Theo ước tính của các chuyên gia, giá dầu ở mức 40-50 USD/thùng là mức tối thiểu có thể mang lại lợi nhuận. Với mức giá 80 USD/thùng như hiện nay, rõ ràng Schoonebeek sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Dự án có thể mang lại 120 triệu thùng dầu từ khu vực phía tây mỏ trong 20 năm. Nếu các khu vực khác được phát triển, tỷ lệ phục hồi có thể đạt khoảng 50% so với mức trung bình 30-35%.
Schoonebeek sẽ không làm thế giới tràn ngập dầu, song sự thành công của dự án sẽ tạo thách thức lớn cho những người cho rằng sự sụt giảm sản lượng là điều chắc chắn xảy ra.
Nhu cầu tiêu dùng, công nghệ và điều kiện chính trị toàn cầu đang đi theo chiều hướng báo hiệu sự dồi dào dầu mỏ trong tương lai, chứ không phải một cái chết thê thảm. Giám đốc cấp cao công ty dầu mỏ ENI (Italia), Leonardo Maugeri, cho rằng thế giới sẽ có đủ dầu cho ít nhất 100 năm.
Còn theo người phụ trách hoạt động phục hồi các mỏ dầu của Shell, Val Brock, mới chỉ 32% trữ lượng dầu trên toàn cầu được khai thác. Do đó tiềm năng nguồn năng lượng chưa thể bị thay thế này còn rất lớn. Bà dự đoán sản lượng của các mỏ hiện nay có thể đạt 300 tỷ thùng hoặc hơn. Trong khi đó, Giám đốc phụ trách hoạt động của ngành dầu mỏ của Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge IHS tại London, Peter Jackson, cho biết các mỏ lớn nhất thế giới vẫn còn 60% trữ lượng có thể khai thác.
Trước sự lạc quan về trữ lượng dầu mỏ của toàn cầu, Shell và các tập đoàn dầu khí khác đang nghiên cứu những công nghệ mới phục vụ việc khai thác. Kể cả khi các công nghệ tiên tiến chỉ làm tăng thêm vài phần trăm trong tỷ lệ phục hồi, nguồn cung dầu mỏ của toàn cầu sẽ kéo dài thêm vài năm và làm tăng đáng kể lợi nhuận của ngành này.
Công nghệ hút dầu ra khỏi lòng đất đang được cải thiện không ngừng. Việc làm nóng dầu nặng, như ở mỏ Schoonebeck, là một trong những kỹ thuật mới. Các công ty có thể thêm các hợp chất cao phân tử nặng vào nước ở những khu vực khai thác để thu được một lượng dầu lớn hơn. Một thủ thuật khác là bơm xà phòng vào đất để phá vỡ sức căng bề mặt, khiến số dầu còn lại bám vào đá.
Các phương pháp đơn giản có thể giúp làm tăng sản lượng các mỏ dầu khai thác giai đoạn cuối và thậm chí làm lộ ra trữ lượng lớn hơn ước tính. Một nghiên cứu của IHS CERA đối với các mỏ dầu ở Indonesia cho thấy, sản lượng khai thác tại nhiều mỏ tăng gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Các kỹ sư dầu khí đã giúp kéo dài tuổi thọ của các mỏ dầu chỉ bằng việc khoan các giếng mới hoặc lắp đặt các máy bơm tốt hơn. Sau khi giảm đáng kể vào cuối thập niên 1990, sản lượng khai thác tại mỏ Samotlor lớn nhất của Nga đã tăng thêm 30% kể từ năm 2003, nhờ việc điều chỉnh lại vị trí các máy bơm.
Các cường quốc dầu mỏ như Nga, Brazil, Angola, Nigeria và Kazakhstan đang nỗ lực tăng công suất, với sự hỗ trợ của Total, ExxonMobil, BP và các tập đoàn dầu khí khác, nhằm đưa sản lượng toàn cầu tăng thêm 5 triệu thùng mỗi ngày. Nếu tất cả các dự án hợp tác với ExxonMobil, BP, Shell cũng như các công ty của Nga và Trung Quốc thành công, sản lượng dầu mỏ của Iraq có thể đạt 12 triệu thùng mỗi ngày, song với những trở ngại về hậu cần và chính trị mà Iraq đang đối mặt, điều đó sẽ không sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, việc khai thác 6 triệu thùng dầu mỗi ngày là mục tiêu có thể đạt được trong 10-15 năm, đưa Iraq trở thành nước sản xuất lớn thứ hai sau Saudi Arabia.
Sau khi giá dầu tăng mạnh trong những năm 1970, nhu cầu đã giảm gần 10% trong những năm đầu thập niên 1980. Việc dầu tăng giá trong năm 2008 có thể dẫn tới một hệ quả tương tự. Theo Chủ tịch Viện chính sách Trái Đất ở Washington, Lester Brown, lượng xe hơi tại Mỹ giảm 4 triệu chiếc trong năm 2009, do việc thải xe cũ và lượng mua mới giảm và có thể giảm 25 triệu chiếc vào năm 2020. Trong khi đó, ngày càng nhiều người, đặc biệt là thanh niên, cho rằng việc sở hữu một chiếc xe riêng là không cần thiết. Lượng xe giảm đồng nghĩa với mức tiêu thụ dầu sẽ ít hơn.
Cuộc khủng hoảng vừa qua chắc chắn có tác động đến mức tiêu thụ dầu mỏ và nhiều nhà phân tích cho rằng nhu cầu tại phương Tây đã đạt đỉnh điểm và sẽ không tăng lên các mức trước đây. Mức tiêu thụ tại Mỹ đã giảm 9% trong 2 năm qua và có thể giảm trong các thập kỷ tới. Theo người phụ trách giao dịch dầu mỏ toàn cầu ở Morgan Stenley tại London, Goran Trapp, trong tương lai, khi loài người chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng mới, việc dự đoán nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh sẽ là điều đáng ngạc nhiên.
Trong khi có nhu cầu rất lớn đối với dầu mỏ và than đá, Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới một chương trình nghị sự “xanh”. Nước này có ngành công nghiệp sản xuất pin Mặt Trời hàng đầu thế giới và tiêu chuẩn khí thải ô tô khắt khe hơn Mỹ. Theo chính sách của Trung Quốc, các nguồn năng lượng thay thế sẽ đáp ứng 15% nhu cầu năng lượng của nước này vào năm 2020, thay vì 9% như hiện nay. Nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc sẽ vẫn tăng, song có thể không mạnh như dự đoán.
Như vậy, tương lai của ngành khai thác dầu vẫn cón rất sáng chứ không như một số chuyên gia dự doán trước đây rằng nguồn tài nguyên dầu mỏ đang cạn kiệt trong tương lai gần./.
Linh Đức
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 859
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)