Lịch sử quan hệ Nga – Việt rất phong phú với những thành tựu vinh quang và nổi bật. Đó là lịch sử tạo dựng trên nền tảng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, luôn tính đến những quan tâm và lợi ích
của nhau.
|
Tổng thống LB Nga Medvedev chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm LB Nga tháng 12/2009
|
Ngày 30/1/2010 vừa tròn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Việt Nam. Đánh giá về những thành tích cơ bản của quan hệ chiến lược này trong 60 năm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói: “Lịch sử quan hệ Nga – Việt rất phong phú với những thành tựu vinh quang và nổi bật. Đó là lịch sử tạo dựng trên nền tảng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, luôn tính đến những quan tâm và lợi ích của nhau”.
Ngay từ những ngày đầu lập nước, việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong những năm tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Liên Xô luôn giương cao khẩu hiệu "Đối với những người cộng sản Liên Xô, đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh của cả trái tim và trí tuệ". Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ chí tình của nhân dân Liên Xô về mọi mặt.
Quan hệ hợp tác kinh tế cũng sớm được quan tâm thúc đẩy, khởi đầu bằng việc ký Hiệp định Hợp tác kinh tế thương mại Việt-Xô ngày 18/6/1955. Chỉ 5 năm sau đó, kim ngạch buôn bán hai chiều đã tăng lên gấp 13 lần (năm 1955 chỉ đạt 5 tỷ rúp). Thời kỳ 1976-1980, khối lượng trao đổi hàng hóa giữa hai nước bằng 20 năm trước cộng lại.
Sự ủng hộ, giúp đỡ về nhiều mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trong hơn 40 năm (1950-1991) đã góp phần không nhỏ vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, 40 năm quan hệ đó đã tạo dựng được tình hữu nghị rất mực trong sáng, thủy chung và gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước và đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga sau này tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
Sau khi Liên Xô tan rã (tháng 12/1990), Liên bang Nga trở thành nước kế thừa Liên Xô trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Việt Nam.
Hai bên tiếp tục coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi. Quan hệ hai nước dần phục hồi và ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
Việc ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày 16/6/1994 nhân chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước. Tiếp đó, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên diễn ra thường xuyên đã tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước…
Đặc biệt, khuôn khổ quan hệ Việt-Nga trong thế kỷ XXI đã được chính thức hóa bằng việc hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược nhân dịp Tổng thống Nga V. Putin thăm Việt Nam năm 2001. Với việc ký Tuyên bố chung, hai nước một lần nữa khẳng định sự tương đồng về nhu cầu hợp tác và quyết tâm chính trị nhằm đưa quan hệ đôi bên tiến triển theo hướng hợp tác chặt chẽ, ổn định lâu dài ở tầm chiến lược dài hạn.
Về hợp tác thương mại, kim ngạch giữa hai nước từ mức khoảng 350-400 triệu USD vào giữa những năm 1990 đã lên tới hơn 1 tỷ USD vào năm 2007, trung bình tăng 15%/năm; năm 2008 đạt 1,641 tỷ USD. Năm 2009, bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 1,7 tỷ USD.
Về đầu tư, Nga hiện có 55 dự án với tổng số vốn là 302,9 triệu USD, đứng thứ 23/81 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có 11 dự án đầu tư vào Nga với số vốn 34 triệu USD, chủ yếu vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, giày dép và sản xuất đồ gỗ.
Dầu khí, năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống và hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Cùng với Liên doanh Vietsovpetro, động lực của hợp tác Việt-Nga, hai bên đã lập các liên doanh mới như Vietgazprom, Rusvietpetro và Gazpromviet để tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Nga và tiến tới ở các nước thứ ba. Nga tiếp tục hợp tác tốt với Việt Nam trong việc hiện đại hóa và xây mới các công trình năng lượng tại Việt Nam. Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga cũng đang mở rộng hợp tác với Petrovietnam. Hai bên đang xem xét mở rộng hợp tác sang lĩnh vực điện hạt nhân.
Về an ninh-quốc phòng, đây vẫn luôn là lĩnh vực hợp tác có bề dày truyền thống giữa hai nước. Những năm gần đây, quan hệ hợp tác quốc phòng và kỹ thuật quân sự Việt-Nga được đánh giá là có bước phát triển về chất, ổn định, vững chắc, đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào việc tăng thêm hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Về văn hóa-giáo dục, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước diễn ra sôi nổi, trong đó có việc tổ chức thường xuyên “Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam” và “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga”…
Đánh giá về triển vọng quan hệ Nga-Việt, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Trong chính sách của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam luôn chiếm một trong những vị trí ưu tiên truyền thống. Những liên hệ Nga-Việt sẽ còn nhận được nguồn xung lực mới mẻ trong năm nay, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN . Chúng tôi trông đợi rằng, với sự hiệp lực tích cực của các bạn Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN tại Hà Nội vàomùa thu năm nay sẽ diễn ra thành công”.
Bộ trưởng Lavrov đã dẫn lời nhận xét của Tổng thống Nga Medvedev về quan hệ Nga – Việt trong cuộc Hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 12 ở Mátxcơva: “Nhìn lại sự hợp tác Nga-Việt những năm gần đây, có thể nói 2009 đã trở thành một trong những năm đạt nhiều thành tích nhất”. Tổng thống Nga nhận định: “Bất chấp khủng hoảng kinh tế, quan hệ của hai nước chúng ta không hề bị tổn thương. Mà ngược lại, vẫn phô diễn đà tăng trưởng kim ngạch trao đổi hàng hóa. Có hàng loạt đề án lớn đang được triển khai, cả truyền thống và cả những đề án mới. Theo toàn bộ những phương hướng này, chúng ta có thể và cần phải tiến lên phía trước”./.
Nguyễn Chiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ