Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/03/2011-14:06:00 PM
Hành vi thông thầu: Những biện pháp phòng tránh và đảm bảo cạnh tranh
(MPI Portal) - Việc tuyên truyền phổ biến các quy định về Luật cạnh tranh nói chung và các quy định đối với hành vi thông thầu là hết sức cần thiết trong bối cảnh vi phạm của doanh nghiệp ngày càng diễn ra phổ biến và đa dạng trong các ngành nghề. Trong khi đó, các cơ quan quản lý liên quan còn chưa thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ trong việc thụ lý và xét xử các hành vi này. Trước tình hình đó, sáng ngày 22/03, tại Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, với sự tài trợ của dự án JICA đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Quản lý nhà nước đối với hành vi thông thầu”.

Các đại biểu tham gia Hội thảo. Ảnh: Lê Tiên
(Báo Đấu thầu)
Tham dự và phát biểu tại hội thảo có đại diện của Ủy ban thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC), chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh,Bộ Công thương, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện từ các cơ quan, ban, ngành liên quan, đại diện các tổng công ty,các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng một số cơ quan truyền thông.
Tại hội thảo, ông Osama Igarashi, chuyên gia thường trú của JFTC Nhật bản tại Việt Nam đã trình bày các cơ chế hành động ở Nhật Bản về thông đồng đấu thầu. Theo ông thông đồng đấu thầu được coi là một trong các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh ở mức nghiêm trọng nhất. Vì vậy cần phải có những biện phápnhằm triệt phá các thỏa thuận thông đồng đấu thầu, hạn chế giao dịch một cách bất chính theo luật chống độc quyền. Vấn đề này được hiểu là sự hạn chế cạnh tranh một cách đáng kểtrong lĩnh vực được giao dịch nhất định, đi ngược lại với lợi ích công cộng thông qua các doanh nghiệp tiến hành tăng giá , hạn chế số lượng, công nghệ, sản phẩm bất kể là thông qua cam kết, thỏa ước hay bất cứ hình thức nào.
Thông đồng đấu thầu thường được tiến hành đối với cùng loại dự án mà chủ đầu tư là một đơn vị xác định và là hành vi được tiến hành qua một thời gian dài mang tính tập quán. Đối với những dự án cùng loại do một chủ đầu tư nhất định đặt hàng thì việc điều chỉnh thắng thầuđược hình thành qua thời gian tương đối dài.
Đại diện Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình bày những quy định về phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu. Đấu thầu phải dựa trên cơ sở khách quan, minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Trên thực tế trong những năm vừa qua, hoạt động đấu thầu đã diễn ra và ít nhiều mang trong nó những tiêu cực theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh, không đảm bảo sự công bằng giữa các nhà thầu. Để hạn chế tình trạng này, Luật Đấu thầu đã quy định về việc đảm bảo tính cạnh tranh khi quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Điều 12 Luật Đấu thầu nêu rõ các hành vi này, đó là : Đưa, nhận hoặc đòi hỏi bất cứ thứ gì có giá trị của cá nhân và tổ chức có liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, dùng ảnh hưởng cá nhân để tác động, can thiệp, báo cáo sai, không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; cấu kết thông đồng giữa bên mời thầu với nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước với bên mời thầu và với nhà thầu để thay đổi hồ sơ dự thầu, cố ý chia gói thầu thành nhiều gói thầu trái quy định, tiết lộ thông tin về đấu thầu.
Về quá trình thực hiện, Luật quy định rõ về việc lựa chọn nhà thầu phải minh bạch qua các hình thức như: Đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu hay tự thực hiện. Điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu, phương thức đấu thầu, kế hoạch đấu thầu, thông báo mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu, nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu...giai đoạn tiếp theo là tổ chức đấu thầu, phê duyệt và thẩm định kết quả đấu thầu, thông báo kết quả đấu thầu.
Nhìn chung, Luật Đấu thầu đảm bảo được tính khách quan, minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh. Trên cơ sở đó, đảm bảo đem lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia đấu thầu, đảm bảo hiệu quả kinh tế, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước./.
Luật Đấu thầu quy định các hành vi bị cấm:
1. Đưa, nhận hoặc đòi hỏi bất cứ thứ gì có giá trị của cá nhân và tổ chức có liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng dẫn đến những hành động thiếu trung thực, không khách quan trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng.
2. Dùng ảnh hưởng cá nhân để tác động, can thiệp hoặc cố ý báo cáo sai hoặc không trung thực về các thông tin làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng.
3. Cấu kết, thông đồng giữa bên mời thầu với nhà thầu, giữa cơ quan quản lý nhà nước với bên mời thầu và với nhà thầu để thay đổi hồ sơ dự thầu, thông đồng với cơ quan thẩm định, thanh tra làm ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, lợi ích của quốc gia.
4. Tổ chức hoặc cá nhân vừa tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu vừa thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với cùng một gói thầu.
5. Nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu EPC.
6. Tham gia đấu thầu với tư cách là nhà thầu đối với gói thầu do mình làm bên mời thầu.
7. Chia dự án thành các gói thầu trái với quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật này.
8. Nhà thầu tham gia đấu thầu cung cấp hàng hoá, xây lắp cho gói thầu do mình cung cấp dịch vụ tư vấn, trừ trường hợp đối với gói thầu EPC.
9. Tiết lộ những tài liệu, thông tin về đấu thầu sau đây:
a) Nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành theo quy định;
b) Nội dung các hồ sơ dự thầu, các sổ tay ghi chép, các biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá của chuyên gia hoặc nhà thầu tư vấn đối với từng hồ sơ dự thầu trước khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu;
c) Các yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu của bên mời thầu và trả lời của nhà thầu trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu trước khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu;
d) Báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình đấu thầu, xét thầu và thẩm định trước khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu;
đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi được phép công bố theo quy định;
e) Các tài liệu đấu thầu có liên quan khác được đóng dấu bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo mật.
10. Sắp đặt để cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột tham gia các gói thầu mà mình làm bên mời thầu hoặc là thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, tổ chuyên gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc là người phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
11. Làm trái quy định quản lý vốn, gây khó khăn trong thủ tục cấp phát, thanh quyết toán theo hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
12. Dàn xếp, thông đồng giữa hai hay nhiều nhà thầu để một nhà thầu trúng thầu trong cùng một gói thầu, giữa nhà thầu thực hiện gói thầu và nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện, giữa nhà thầu thực hiện gói thầu và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ nghiệm thu kết quả thực hiện.
13. Đứng tên tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc các dự án do cơ quan, tổ chức mà mình đã công tác trong thời hạn một năm kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó.
14. Cho nhà thầu khác sử dụng tư cách của mình để tham gia đấu thầu hoặc chuyển nhượng cho nhà thầu khác thực hiện hợp đồng sau khi trúng thầu.
15. Lợi dụng việc kiến nghị trong đấu thầu để cản trở quá trình đấu thầu và ký kết hợp đồng, cản trở các nhà thầu khác tham gia đấu thầu.
16. áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định tại các điều từ Điều 19 đến Điều 24 của Luật này.
17. Tổ chức đấu thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.
Ngoài ra Luật số: 38/2009/QH12 Bổ sung khoản 18 và khoản 19 vào Điều 12 như sau:
18. Bên mời thầu không bán hồ sơ mời thầu cho nhà thầu theo thời gian được xác định tại thông báo mời thầu, thư mời thầu.
19. Sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước có đủ khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.”
( Trích Điều 12 Luật Đấu thầu và Điều 12 Luật số 38/2009/QH12 )
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3637
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)